Doanh nghiệp xuất khẩu nỗ lực ứng phó với cước vận chuyển tăng

NGỌC QUÍ - MINH KHOA - NGỌC THẠCH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 31/7/2024, 18:00

(HTV) - Xuất khẩu hiện là một trong hai trụ cột tăng trưởng của Thành phố, với con số 22,56 tỷ đô la Mỹ, đánh dấu lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu qua các cửa khẩu cảng Thành phố đạt xấp xỉ kim ngạch nhập khẩu. TP.HCM dẫn đầu về xuất khẩu của cả nước.

Theo thống kê, sau nửa đầu năm nay, nền kinh tế TP.HCM đã có những bước hồi phục đáng kể. GRDP trong 06 tháng đầu năm tăng 6,46% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, mặc dù có những tín hiệu tích cực, các doanh nghiệp xuất khẩu tại TP.HCM vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, đặc biệt là việc giá cước vận chuyển tăng mạnh. Điều này đã làm giảm khả năng tìm kiếm lợi nhuận của doanh nghiệp, ngay cả khi đơn hàng dồi dào. Trước thực trạng này, Bộ Công Thương đã gửi công văn cho các hiệp hội ngành nghề vào trung tuần tháng 7, đề ra giải pháp ứng phó để duy trì trụ cột tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm.

Chị Trần Nguyễn Bảo Khuyên, phụ trách kinh doanh quốc tế tại Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu Bobi Craft, cho biết: "Khi đặt hàng giao ngay, giá giao hàng rất cao, nên chúng tôi phải chờ từ 2 - 4 tuần để có giá tốt hơn. Điều này ảnh hưởng đến cam kết trong hợp đồng với đối tác và dòng tiền của công ty. Thêm vào đó, chúng tôi cũng phải nhập khẩu nguyên liệu, nên khi giá cước vận chuyển tăng thì chi phí sản xuất cũng đội lên". 

Chị Trần Nguyễn Bảo Khuyên, phụ trách kinh doanh quốc tế tại Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu Bobi Craft

Một sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Mỹ hiện đối diện chi phí vận chuyển tăng 30% so với đầu năm 2024. Để giữ được các đơn hàng quốc tế, doanh nghiệp buộc phải giữ nguyên giá thành sản phẩm và áp dụng thêm các giải pháp khác để cùng đối tác vượt qua giai đoạn này.

Ông Nguyễn Nhật Nguyên - Giám đốc Kinh doanh Công ty Vận chuyển Thương mại Biển Xanh, nhận định: "Hiện tại giá cước có khả quan hơn nhưng vẫn chưa đáng kể. Từ tháng 5 và tháng 6, giá cước tăng liên tục hàng tuần, trong khi tháng 7 chỉ giảm một chút. Dự báo, sau khi giảm dần, chúng ta lại bước vào mùa cao điểm sản xuất cuối năm, nên cước vận chuyển cũng sẽ cao trở lại. Tình hình này nếu muốn cải thiện thì phải chờ sang đầu năm sau."

Ông Nguyễn Nhật Nguyên - Giám đốc Kinh doanh Công ty Vận chuyển Thương mại Biển Xanh

Các doanh nghiệp cho biết giải pháp trước mắt là đàm phán để chia sẻ khó khăn hoặc tìm kiếm thị trường mới ngoài Mỹ và Châu Âu. Về lâu dài, vẫn cần sự đồng hành chiến lược từ ngành chức năng.

Ông Nguyễn Nhật Nguyên cho biết thêm: "Doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang cố gắng đàm phán với đối tác nước ngoài. Những doanh nghiệp logistics cũng đang hỗ trợ một phần cho khách hàng. Ví dụ, nếu giá cước tăng 1.000 đô la Mỹ, doanh nghiệp chỉ tăng chi phí 700 - 800 đô la Mỹ để chia sẻ với khách vượt qua thời điểm này, rồi sẽ bù lại chi phí khi tình hình ổn định hơn vào năm sau."

Ông Trần Việt Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, khuyến nghị: "Giá cước vận chuyển hiện nay cao như thời điểm sau dịch. Về lâu dài, Bộ Giao thông Vận tải cần có phương án phát triển hãng tàu Việt Nam. Chúng ta không thể phụ thuộc mãi vào hãng tàu quốc tế."

Theo các Doanh nghiệp, giải pháp trước mắt vẫn là đàm phán để cùng nhau chia sẻ khó khăn hoặc tìm kiếm thêm thị trường mới ngoài Mỹ hay Châu Âu. Song, về lâu dài, vẫn cần sự đồng hành chiến lược từ phía ngành chức năng. 

Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu đang phải đối mặt với bài toán khó khăn từ cước vận chuyển, khi giá cước cao đã ảnh hưởng đến khả năng thực hiện mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng 6% trong năm nay. Kim ngạch xuất khẩu trung bình mỗi quý còn lại của năm phải đạt trên 94 tỷ USD, là một thách thức lớn nếu không có các giải pháp linh hoạt và kịp thời từ cả doanh nghiệp và các bộ, ngành liên quan.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: