Doanh nghiệp trước biến động tỷ giá

THANH VÂN - VŨ TUYÊN - MINH TẤN - VIỆT TRUNG - HOÀN THIỆN - QUỐC KHANH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 23/3/2024, 19:00

(HTV) - Tỷ giá tăng đang tạo áp lực không nhỏ lên các doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu chủ yếu từ nước ngoài hoặc có vay nợ lớn bằng ngoại tệ. Nhưng với những doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn nguyên liệu trong nước, thời điểm này là thuận lợi để tăng doanh thu.

Tỷ giá tăng giúp những doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn nguyên liệu trong nước tăng doanh thu

Fed đã giữ nguyên lãi suất tham chiếu ở đỉnh 22 năm, đồng thời dự báo sẽ giảm lãi suất 3 lần trong năm 2024. Cơ quan này cũng kỳ vọng lãi suất sẽ kết thúc năm 2025 ở mức 3,9%; năm 2026 ở mức khoảng 3,1%.

Tỷ giá tăng cao: Doanh nghiệp nào "vui", doanh nghiệp nào "buồn"?

Hơn 30 năm hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, và đưa vào thị trường Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc sản phẩm nông sản tươi như mít, sầu riêng và cả nông sản chế biến, công ty cổ phần Vinamit cho rằng, việc tỷ giá đồng đô la Mỹ duy trì ở mức cao là một lợi thế giúp doanh nghiệp tăng doanh thu. Theo Tổng Giám đốc công ty, đối với tình trạng gia tăng lạm phát, tỷ giá, đồng đô la thì thường với doanh nghiệp xuất khẩu luôn có lợi, vì chúng ta sử dụng đại đa số nguyên liệu trong nước nên không tăng bất thường. Sử dụng tiền Việt mua nguyên liệu và bán ra bằng ngoại tệ, thì đó là cơ hội tốt cho các  doanh nghiệp. Doanh nghiệp xuất khẩu luôn có lợi hơn doanh nghiệp nhập khẩu. Thay vì lấy 1 đồng đô la, trước đây thu được có 23.000 đồng, còn hôm nay thu được 25.000 đồng. Nghĩa là sản phẩm không tăng, nhưng được tăng 10% cho sản phẩm. Đó là điều thúc đẩy các nhà sản xuất mong muốn mang sản phẩm đi xuất khẩu nhiều hơn bán trong nội địa.

Tỷ giá tăng tạo áp lực không nhỏ lên các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu từ nước ngoài

Ngược lại, công ty sản xuất thương mại Mebipha, mỗi năm nhập khẩu nguyên liệu lên đến hàng triệu đô la Mỹ nên tỷ giá tăng đã ngay lập tức chịu ảnh hưởng. Bà Lâm Thúy Ái - Chủ tịch Hội đồng thường vụ công ty cho biết: ''tỷ giá đồng đô la hiện nay so với thời điểm mà chúng tôi ký hợp đồng với các khách hàng đấu thầu lâu dài là tăng hơn 1.000 đồng. Giá thành thì 100 đồng có 90 đồng nhập khẩu rồi, vậy tỷ giá đô tăng 1.400 đồng thì sẽ khiến cấu thành sản phẩm của mình tăng hơn 10%."

Ông Phạm Văn Việt - Tổng Giám đốc công ty TNHH Việt Thắng Jean

Với những doanh nghiệp xuất khẩu, chênh lệch tỷ giá được bù đắp khi có ngoại tệ thu về từ xuất khẩu, song tỷ giá tăng nhanh khiến phần lợi thu về nhờ tỷ giá ngày càng giảm.

Tuy nhiên, thực tế phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu có nguyên vật liệu chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài về gia công, chẳng hạn như nhóm ngành dệt may, yếu tố hưởng lợi từ xu hướng tăng tỷ giá cũng bị triệt tiêu đáng kể.

Ông Phạm Văn Việt - Tổng giám đốc công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết thêm: ''xuất đi Châu âu là phải nhập khẩu 60%, xuất đi Mỹ, Hàn Quốc thì nhập khẩu 40%, thì tiền mua USD, bán USD cho ngân hàng và mua lại trả USD cho nhà nhập khẩu thì cũng không có lợi, chúng tôi cũng đang bù 2% trên giá thành''.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: