Định hướng hội nhập quốc tế cho doanh nghiệp khởi nghiệp

VŨ TUYÊN - HOÀN THIỆN - LONG ĐỖ // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 22/3/2024, 11:00

(HTV) - Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của từng quốc gia. Tại Việt Nam, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang bước vào giai đoạn hội nhập.

Trước nhiều thách thức, các doanh nghiệp rất cần được ươm tạo, nuôi dưỡng và phát triển trong một hệ sinh thái, để từng bước chinh phục thị trường quốc tế thuận lợi hơn.

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang bước vào giai đoạn hội nhập

Dù đã có sản phẩm đi vào 1 số thị trường quốc tế, nhưng để duy trì cũng như mở rộng thị trường cũng là thách thức của nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp. Có mặt trên thị trường được 05 năm, công ty Khánh Hà Food ngay từ đầu đã chú trọng đầu tư xây dựng nhà máy đạt tiêu chuẩn. Theo Chị Trương Hồng Hà - CEO của Khánh Hà Food cho biết, việc đạt được các chứng chỉ là rào cản lớn với doanh nghiệp. Và muốn bước ra quốc tế thì phải đạt các chứng chỉ theo yêu cầu, và sản phẩm phải đạt chất lượng, thứ 2 là khó khăn trong việc cố gắng thuyết phục khách hàng.

Chị Trương Hồng Hà - CEO của Khánh Hà Food

Tương tự, sản phẩm từ xơ mướp của anh Đỗ Đăng Khoa - Người sáng lập dự án Mr. Mướp dù đã đi vào được thị trường Nhật, nhưng doanh nghiệp cho rằng, vẫn còn nhiều thách thức phía trước. Bởi vì phải luôn đổi mới, sáng tạo liên tục để kịp đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng ở nước sở tại, chỉ có như vậy mới bền vững được.

Sản phẩm từ xơ mướp của anh Đỗ Đăng Khoa

Ngoài việc đổi mới, tạo ra bản sắc riêng, vấn đề kết nối với chuỗi giá trị là vô cùng quan trọng. Chia sẻ tại tọa đàm về "Kinh nghiệm Xúc tiến thương mại – Những câu chuyện có thật” do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) tổ chức, các chuyên gia cho rằng, cục diện thị trường thay đổi, hành vi tiêu dùng cũng thay đổi, nên doanh nghiệp phải nghiên cứu kỹ hơn để thích nghi, qua đó có thể tận dụng lợi thế vốn có của mình và tiềm năng ở các thị trường khó tính. Theo ông Nguyễn Thành Huy - Nguyên Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, doanh nghiệp nên đi cùng nhau, vì như vậy mới tạo ra giá trị cộng hưởng chung cho cả cộng đồng doanh nghiệp, và do vậy đối với doanh nghiệp khởi nghiệp xanh, hay doanh nghiệp nhỏ và vừa thì giá trị cộng hưởng tại càng tăng lên, đó là giá trị chung giữa các doanh nghiệp, vì thế khi xúc tiến thương mại mới có sức mạnh tổng thể để cạnh tranh. Ông Huy cũng nhấn mạnh thêm, hiện nay, phương thức tiếp cận không chỉ trực tiếp mà cả trực tuyến. Doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài nên tìm đến kênh trực tuyến, như nền tảng xã hội để tiếp cận khách hàng mới, như vậy mới tiếp cận hệ sinh thái khách hàng toàn diện.

Tọa đàm về "Kinh nghiệm Xúc tiến thương mại – Những câu chuyện có thật”

 Sẵn sàng hội nhập: Bí quyết phát triển bền vững cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Tiến sĩ Dương Đức Minh - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch cũng cho rằng, hiện nay việc kết nối để xây dựng chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế. Đây là điểm mấu chốt để chúng ta có động lực để giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp hiểu sâu hơn về thực hành kết nối chuỗi giá trị toàn cầu. Theo Tiến sĩ Minh, chúng ta trao cho các bạn cơ hội thì các bạn có tầm nhìn đúng đắn. Ngoài ra, cần chú trọng vấn đề truyền thông và quảng bá sản phẩm. Hiện các kênh quảng bá cũng được quan tâm để giới thiệu đến thị trường khó tính, và khi chinh phục được thị trường khó tính thì sẽ dễ chinh phục thị trường thứ cấp hơn.

Tiến sĩ Dương Đức Minh - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch

Đồng tình với vấn đề này, bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA), các doanh nghiệp khởi nghiệp phải liên kết với nhau, vì số lượng chúng ta không đủ vào thị trường thế giới. Các doanh nghiệp có thể đảm bảo chất lượng nhưng số lượng thì còn hạn chế, do đó chúng ta phải tìm hiểu, và có thể sẽ phải có những cuộc họp sức trong chuyện tham gia vào các thị trường này, vì 3 yếu tố quan trọng trong cạnh tranh là: số lượng, chất lượng và giá cả. Doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn còn khó khăn trên từng yếu tố, muốn khắc phục nhanh thì phải đi cùng nhau, và Trung tâm cũng theo đuổi vấn đề này để hỗ trợ doanh nghiệp.

Bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA)

 Phải đi cùng nhau. Đó là cách để các nhà khởi nghiệp chia sẻ để giúp nhau hiểu biết thêm về thị trường, văn hóa toàn cầu, về tiêu chuẩn quốc tế. Đó cũng là chìa khóa tạo nên sức mạnh, giúp doanh nghiệp nâng cấp, hoàn thiện và hội nhập thuận lợi.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: