Định hướng đột phá của TP.HCM gắn với Phát triển A.I

TRẦN HÙNG - HOÀNG LINH - MINH ĐỨC // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 19/8/2024, 11:00

(HTV) - Những người sử dụng trí tuệ nhân tạo (A.I) sẽ thay thế những người không sử dụng A.I. Đây là sự dịch chuyển khó tránh khỏi trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Toàn cảnh hội nghị

Nếu tận dụng tốt, A.I. sẽ mang lại động lực phát triển vượt trội, bởi bản thân nó đã là sự đột phá. Điều này cũng tương đồng với các định hướng phát triển sắp tới của TP.HCM. Một số mô hình thú vị đã được chia sẻ tại Hội nghị Trí tuệ Nhân tạo tạo sinh (GenA.I. Summit) 2024 với chủ đề "Chân trời mới" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số đơn vị đồng tổ chức vào ngày 18/8.

"Thiết kế chip bán dẫn bằng A.I. chỉ trong 24 giờ, thay vì mất 6 - 8 tuần". Chia sẻ đến từ chuyên gia công nghệ hàng đầu của Google thu hút nhiều sự chú ý. Đặc biệt đối với TP.HCM, đây là định hướng quan trọng trong thu hút đầu tư, chuyển đổi ngành công nghiệp.

Bên cạnh đó là nhiều thông tin đáng chú ý từ cộng đồng doanh nghiệp. Vừa được Tập đoàn Microsoft đánh giá là đơn vị duy nhất trên thế giới tạo ra được trợ lý trí tuệ nhân tạo Copilot cho y tế, doanh nghiệp này đang tiếp tục thu thập dữ liệu về sản xuất, thương mại điện tử để tạo ra nhiều kiến thức khác cho A.I.. Bởi xu hướng sắp tới, A.I. sẽ phổ cập đến mức ai cũng có thể tự tạo ra một cách dễ dàng.

A.I. đã được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực như y tế, và đạt nhiều kết quả khả quan

Tổng Giám đốc công ty VinBrain Trương Quốc Hùng chia sẻ: "Mình làm sạch dữ liệu một cách tự động, và tương lai sẽ có những tập đoàn lớn vào Việt Nam để biến việc phát triển A.I. thành đơn giản hóa, cái đó mới gọi là A.I. factory, làm sao có thể sản xuất A.I. mà mọi người có thể làm một cách tự nhiên, và con người trong tương lai có thể mỗi người chúng ta đều có một A.I. riêng cho mình."

Hướng tới đưa A.I. gần gũi hơn với người dân

Để đáp ứng đủ nhu cầu, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, có ít nhất 5.000 nhân sự A.I. chuyên môn sâu có trình độ kỹ sư trở lên, đào tạo được 7.000 chuyên gia A.I. theo tiêu chuẩn quốc tế và ươm tạo khoảng 500 công ty khởi nghiệp A.I..

Mục tiêu đến năm 2030

Dự báo đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt khoảng 74 tỷ USD, trong đó có sự đóng góp rất lớn của A.I., nằm trong TOP 30 về nghiên cứu A.I. trên thế giới.

Bà Wendy Uyên Nguyễn - Đồng sáng lập kiêm Chủ tịch tổ chức Rethink Healthcare Foundation cho rằng: "Đây là thời điểm chúng ta phải nắm bắt cơ hội và chúng ta có thể thắng trong cuộc đua A.I. này, tại vì chúng ta có nguồn lực, chúng ta có sự ủng hộ từ Chính phủ, từ cộng đồng, thu hút được các nhà đầu tư khác. Chúng tôi cũng sẽ đưa ra những khóa đào tạo không chỉ cho các bạn học A.I. mà còn cho các công ty khởi nghiệp hoặc công ty đang muốn triển khai A.I. trong những ứng dụng của họ."

Còn theo TS. Vũ Thành Tự An - Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright: “Trong hệ thống chính sách đặc thù của TP.HCM đã có đủ những điều kiện và khuôn khổ để cho phép các lĩnh vực như A.I. có thể phát triển. Quan trọng nhiều hơn là thực thi các chính sách này, ví dụ như chính sách hỗ trợ về tài chính, chính sách về tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài, chính sách phát triển các nền tảng về giáo dục, y tế, Fintech, nó sẽ tạo ra tiền đề để có nền tảng mới cho động lực tăng trưởng kinh tế mới của Thành phố.”

T.S. Vũ Thành Tự An chia sẻ TP.HCM có nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển A.I.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: