(HTV) - Kinh tế tuần hoàn, hiểu một cách đơn giản, chính là biến rác thải của ngành này thành nguồn tài nguyên của ngành khác.
Đây là một khái niệm tương đối mới, nhưng đang trở thành xu hướng, được xem là giải pháp trọng tâm để đổi mới mô hình tăng trưởng bền vững, góp phần thực hiện các cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Sáng qua 16/11, tập đoàn hàng đầu khu vực SCG và Mạng lưới Đối tác doanh nghiệp Thái Lan đã phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn Kinh tế Tuần hoàn Việt Nam 2023 với chủ đề “Xây dựng Kế hoạch Hành động Quốc gia thực hiện Kinh tế Tuần hoàn”.
Tại sự kiện, SCG đã hợp tác với các bên hữu quan cùng nhau chia sẻ chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn về ESG, cũng như mối liên hệ giữa ESG và việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Hình ảnh tại Diễn đàn Kinh tế Tuần hoàn Việt Nam năm 2023:
Tại Việt Nam, SCG tích cực hợp tác với Chính phủ và khối doanh nghiệp tư nhân trong việc thúc đẩy nền Kinh tế tuần hoàn từ cấp quốc gia đến cấp địa phương. Nhiều dự án được thực hiện, chẳng hạn như SCG Chemicals và Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Nhân dân Thành phố Vũng Tàu, và nhiều đơn vị khác đã cùng hợp tác phát triển Dự án quản lý chất thải rắn ở Vũng Tàu. Phân loại, quản lý chất thải là một trong những chìa khóa của kinh tế tuần hoàn trong tương lai.
Theo báo cáo của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới (WB), ước tính Việt Nam lãng phí gần 3 tỷ USD mỗi năm vì không tái chế hết rác thải nhựa từ sinh hoạt. Còn chất thải hữu cơ ước tính lãng phí hơn 30 tỷ USD mỗi năm khi gần 70% không được tái chế. Tại Diễn đàn, các cơ chế tài chính như thúc đẩy thị trường các-bon, huy động sự tham gia của tư nhân trong hoạt động quản lý chất thải cũng được xác định là một trong những nguồn lực quan trọng để thực hiện kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9