Chính sách an sinh nào cho tài xế xe công nghệ?

PHƯƠNG MAI - HOÀNG LINH - MINH KHÔI - PHONG TRẦN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 20/11/2023, 10:00

(HTV) - Số lượng lao động làm việc gắn với các nền tảng công nghệ đang tăng lên nhanh chóng. Đây được xem là lực lượng lao động phi chính thức đóng góp tích cực cho nền kinh tế, nhưng lại đối diện nhiều rủi ro, khi nằm ngoài lưới an sinh xã hội.

Tài xế công nghệ ngày càng phổ biến 

Ông Hùng đã gắn bó với nghề lái xe ôm gần như cả đời người. Chuyển sang chạy xe ôm công nghệ cũng khoảng 5 năm nay, ông cho biết: ban đầu rất ổn, nhưng đến nay, lớp thì chiết khấu cho app tăng, lớp thì khách ít do lượng tài xế quá đông. Cuộc sống khó khăn khiến ông không đủ khả năng quan tâm đến các chính sách an sinh cho bản thân.

Quyền lợi của một người lao động đúng nghĩa như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp… các tài xế này gần như không được hưởng

Tài xế công nghệ gặp phải khó khăn gì?

Hiện nay, các tài xế xe công nghệ đang hoạt động dưới danh nghĩa là một đối tác của các doanh nghiệp có app công nghệ. Tuy nhiên, các chế tài dành cho họ lại gần giống với một người lao động. Ngoài thời gian tự do, họ vẫn phải đảm bảo thái độ phục vụ, hay không được từ chối các đơn vận chuyển theo qui định của app, tự trang bị đồng phục của công ty... Và đặc biệt là chiết khấu cũng là do công ty qui định. Nhưng quyền lợi của một người lao động đúng nghĩa như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp… họ gần như không được hưởng.

Đây được xem là lực lượng lao động phi chính thức đóng góp tích cực cho nền kinh tế

Theo chị Đoàn Ngọc Diễm Lan - Phó Chủ tịch LĐLĐ Quận 8, TP.HCM cho biết: Địa phương cũng đang tuyên truyền phát triển thêm đoàn viên các nghiệp đoàn, đặc biệt là nghiệp đoàn xe ôm công nghệ để dễ quan tâm chăm lo trong thời gian tới. Liên quan tới chính sách bhxh, hàng năm chúng tôi đều rà soát để trao thẻ BHYT, nhưng số lượng được rà soát chăm lo rất hạn chế. Trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển tôi đề xuất cần có nghiên cứu đánh giá điều kiện làm việc, an sinh xã hội tại các công ty nền tảng ứng dụng. Phải sớm điều chỉnh về chính sách để đảm bảo an sinh cho các đối tượng đặc thù này.

Trong quan hệ 3 bên: Công ty, khách hàng và tài xế, thì tài xế là bên yếu thế nhưng lại chưa được bao phủ bởi Bộ Luật Lao động, Luật BHXH... Gốc rễ của tình trạng này là do các tài xế xe công nghệ đang ký là hợp đồng đối tác, không phải hợp đồng lao động. Mối quan hệ này lại nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Bộ Luật Lao động. Bên cạnh đó, cũng chưa có chuẩn mực nghề nghiệp và khung pháp lý rõ ràng quy định chế độ phúc lợi xã hội cho lực lượng lao động này dẫn đến họ không được hưởng chế độ BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cũng như các chế độ liên quan dành cho người ký Hợp đồng lao động.

Luật sư Trương Hồng Điền - Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng: Đây cũng chính là điểm yếu của pháp luật hiện hành. Trong thời gian tới, nếu có thể quốc hội cần nghiên cứu một luật riêng để điều chỉnh các doanh nghiệp app công nghệ, phải điều chỉnh bằng 1 qui định hài hòa mang tính thỏa thuận giữa đôi bên. Và phải có mức tối thiểu cố định để ấn định đóng BHXH nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Trong lần sửa đổi Bộ Luật Lao động năm 2019, vấn đề này đã được đặt ra nhưng chưa rõ ràng. Nay trong quá trình sửa đổi Luật BHXH vấn đề này cũng bị gác lại, và thời gian tới có thể cũng chưa có được quy định pháp luật hay hành lang pháp lý để điều chỉnh lao động nền tảng. Cần sớm định danh cụ thể xác định rõ mối quan hệ giữa tài xế và các doanh nghiệp, hình thành khung pháp lý điều chỉnh phù hợp, để đối tượng này được bảo đảm an sinh.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

 

Ý kiến của bạn: