(HTV) - Trong số 8 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch, ngoài tuyến metro số 1 sắp hoàn thành, tuyến metro số 2 đang triển khai thực hiện, các tuyến còn lại chỉ mới đang trong quá trình kêu gọi đầu tư.
Tọa đàm do MAUR, Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP (HFIC) và Viện Nghiên cứu phát triển (HIDS) phối hợp tổ chức nhằm khẩn trương triển khai thực hiện mục tiêu tại Kết luận 49 của Bộ Chính trị là hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.HCM vào năm 2035.
Nếu với tốc độ 20 năm mới xây dựng được 01 tuyến metro như hiện nay thì thành phố phải mất hơn 100 năm nữa mới hoàn thành được hệ thống đường sắt theo quy hoạch - phải thực hiện khoảng 200 km trong vòng 12 năm tới.
Tọa đàm “Kết luận 49 và Nghị quyết 98 – Cơ hội và thách thức cho đường sắt đô thị TP.HCM”
Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ - Phó viện trưởng viện nghiên cứu phát triển TP.HCM: "Rõ ràng, cần phải có cách tiếp cận, cách làm hoàn toàn mới, khác biệt, đột phá cao về nhiều mặt thì đến năm 2035, TP.HCM mới có thể hoàn thành mục tiêu đề ra và Nghị quyết 98 được coi là cú hích để góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn lâu nay".
Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ - Phó viện trưởng viện nghiên cứu phát triển TP.HCM
Ông Hoàng Ngọc Tuân - Quyền Giám đốc Ban chuẩn bị đầu tư - Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết: "Theo các chuyên gia: Việc lập quy hoạch và tìm giải pháp đương nhiên là không thể thiếu, tuy nhiên, làm thế nào để những giải pháp này được thực hiện hiệu quả mới là vấn đề quan trọng".
Ông Hoàng Ngọc Tuân - Quyền Giám đốc ban chuẩn bị đầu tư - ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM
Cụ thể, với lĩnh vực quy hoạch, thu hồi đất và GPMB, MAUR đề xuất điều chỉnh quy hoạch tổng chiều dài đường sắt đô thị của TP.HCM theo quy hoạch từ 220 km hiện nay lên khoảng 400 - 500 km, chia thành 2 giai đoạn (giai đoạn 1 từ nay đến 2035 và giai đoạn 2 tầm nhìn sau năm 2035).
Trong quy hoạch phải đồng thời xác định ranh giới, vị trí và thiết kế đô thị theo mô hình TOD, bán kính 500 - 1.000m xung quanh nhà ga. Việc thu hồi đất cho các dự án metro thực hiện đồng thời cùng quỹ đất TOD.
Bên cạnh đó, hiện nay, theo luật Đầu tư công, sau khi dự án được phê duyệt phương án tái định cư thì mới được thu hồi đất. Làm như vậy kéo dài ít nhất 10 năm. Nghị quyết 98 cho phép TP.HCM thực hiện thu hồi đất sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, nhưng như vậy cũng mất 4 - 5 năm.
Bản đồ Metro số 1
Vì thế, các đơn vị đề xuất: Ngay sau khi phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án sẽ thu hồi đất ngay để đảm bảo có quỹ đất đấu giá và tránh tình trạng đầu cơ đất đang diễn ra tràn lan. Như vậy mới có thể đảm bảo mục tiêu đến 2028 phải thu hồi toàn bộ mặt bằng "sạch" cho hệ thống metro.
Mạng lưới Metro TP.HCM
TP.HCM cần huy động nguồn lực tài chính khoảng 25 tỷ đô la mỹ trong vòng 4-5 năm tới để hoàn thành toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị và nếu những giải pháp về giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, thi công, nguồn nhân lực đồng thời được triển khai đồng bộ, tích cực sẽ góp phần cụ thể hóa mục tiêu phát triển hệ thống đường sắt đô thị thành phố đến năm 2035 theo quy hoạch. Đây cũng chính là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển thành phố bền vững trong nhiều năm tới.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9