(HTV) - Sáng nay, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước.
Cho ý kiến Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu tán thành với việc tiếp tục hoàn thiện các quy định về phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương. Đại biểu cho rằng, để kịp thời thể chế hóa chủ trương phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, theo hướng “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, dự thảo Luật cần làm rõ các khái niệm và phân định rõ về phân cấp, thẩm quyền, ủy quyền.


Toàn cảnh buổi thảo luận
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy, Đoàn đại biếu Quốc hội TP.HCM cho biết: "Phải có khái niệm cụ thể, phân cấp là gì, ủy quyền là gì, thẩm quyền như thế nào? để khi áp dụng pháp luật dễ và hiệu quả hơn, tránh lạm dụng áp dụng sai nội dung này. Về phân quyền, tôi đề nghị bổ sung thêm trong khoản 02 điều 13 nêu rõ những điểm được phân quyền và có 01 điều là “trừ trường hợp luật quy định không được phân cấp ủy quyền”, thì tôi đề xuất là nêu rõ luôn, hoặc có quy định trong Luật là những điểm nào không được phân cấp".
Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu cho rằng, thời gian qua, Quốc hội đã cho phép TP. Hà Nội thực hiện theo Luật Thủ đô, TP.HCM và một số thành phố khác thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội, bước đầu phát huy hiệu quả tích cực. Đại biểu đề nghị cần làm rõ khi Luật này có hiệu lực thì các địa phương đang thực hiện theo các Luật và Nghị quyết như trên sẽ tiếp tục thực hiện theo hướng như thế nào.
Phát biểu tại tổ thảo luận, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Phan Văn Mãi, đề nghị cần có nghiên cứu tổng thể, toàn diện về mô hình chính quyền hiện nay.
Theo Đại biểu Phan Văn Mãi - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM: "Cần trả lời câu hỏi lớn là Chính quyền có mấy cấp? Mỗi cấp Chính quyền gồm có cơ quan nào? Từ đó mới trả lời chúng ta có ba hay bốn cấp, có bỏ cấp huyện hay không? Từng cấp như vậy có đầy đủ HĐND và UBND hay không? Hiện tại, chúng ta đang chưa rõ cái này. Thứ nữa là mỗi quan hệ giữa UBND và Ủy ban Hành chính, việc này cần được nghiên cứu rất kỹ lưỡng, đồng bộ, phù hợp với điều kiện hiện nay. Từ kết quả nghiên cứu này có thể chúng ta phải đề xuất sửa đổi Hiến pháp và các luật nền".
Dự kiến tháng 5 tới, TP.HCM sẽ tổ chứcHội nghị tổng kết việc thực hiện thí điểm mô hình Chính quyền đô thị, trên cơ sở đó sẽ kiến nghị duy trì điểm hợp lý của mô hình mà Thành phố đang thực hiện. Khẳng định việc phân cấp, phân quyền càng rõ càng hiệu quả, tạo điều kiện nâng cao hiệu suất làm việc của chính quyền địa phương, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng: "Cần phải sửa đổi nhiều quy định để thể chế hóa quan điểm “địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm”.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9