Cần chính sách đồng bộ thích ứng già hóa dân số

THANH TÂN - VIỆT TRUNG - QUỐC KHANH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 12/12/2024, 11:50

(HTV) - Đến cuối năm 2023, TP.HCM có khoảng trên 1,3 triệu người trên 60 tuổi, chiếm 12,5% dân số, dự báo đến năm 2030 là 1,8 triệu người, chiếm 20% tổng dân số.

Đi kèm với tốc độ già hóa ngày càng nhanh của dân số là nguy cơ thiếu hụt lao động, áp lực an sinh xã hội, chăm sóc y tế cho người cao tuổi. Vì thế cần xây dựng chiến lược đồng bộ, chính sách cụ thể, chuẩn bị hạ tầng y tế, xã hội nhằm nâng cao chất lượng sống của nhóm người cao tuổi ngày càng đông.

Vấn đề này đã được bàn luận sôi nổi tại Hội thảo khoa học chủ đề Già hóa dân số và chính sách, nhằm thích ứng với già hóa dân số tại TP.HCM.

 Hội thảo khoa học với chủ đề “Già hóa dân số và chính sách nhằm thích ứng với già hóa dân số tại TP.HCM”

Chính sách hỗ trợ người cao tuổi chưa toàn diện 

Chi cục dân số kế hoạch hóa gia đình, Sở Y tế TP.HCM cho biết TP.HCM là địa phương có tốc độ già hóa nhanh nhất cả nước, trung bình mỗi năm tăng thêm khoảng 45.000 người cao tuổi. Cứ 100 người trẻ dưới 15 tuổi thì có 65 người cao tuổi. Mặc dù các chính sách chăm lo người cao tuổi đang thực hiện tốt tuy nhiên vẫn chưa đủ, cần có chiến lược đồng bộ. 

Trung bình mỗi năm, TP.HCM tăng thêm khoảng 45.000 người cao tuổi

Theo Thạc sĩ Phạm Chánh Trung - Chi Cục Trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Sở Y tế TP.HCM, với đặc thù đô thị sôi động, phần lớn người cao tuổi tại TP.HCM mong muốn được sống gần gũi với con cháu. Vì vậy, việc phát triển các mô hình chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là khám sức khỏe định kỳ cho tất cả người cao tuổi, là vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, việc duy trì và mở rộng các mô hình hỗ trợ người cao tuổi yếu thế, neo đơn không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của họ mà còn góp phần xây dựng một cộng đồng đoàn kết, tương trợ.

Tốc độ già hóa nhanh nhất cả nước, TP.HCM cần có những giải pháp gì? 

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Hương từ Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đã chỉ ra rằng, mặc dù thành phố đã có những chính sách chăm sóc sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi, nhưng số lượng người được hưởng lợi vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhu cầu về tư vấn tâm lý và các dịch vụ xã hội của người cao tuổi cũng chưa được đáp ứng đầy đủ. Bà Hương nhấn mạnh rằng, người cao tuổi không chỉ cần được chăm sóc về vật chất mà còn cần được tạo điều kiện để tham gia vào các hoạt động xã hội, đóng góp cho cộng đồng theo khả năng của mình. 

Việc chăm sóc điều trị cho nhóm người cao tuổi hiện đang là thách thức của ngành y tế

Người cao tuổi tại TPHCM đang phải đối mặt tình trạng già nhanh hơn giàu, mắc cùng lúc nhiều bệnh và phần lớn đều phụ thuộc tài chính con cháu. Việc chăm sóc điều trị cho nhóm người này là thách thức của ngành y tế và xã hội. 

PGS.TS Bác sĩ Nguyễn Văn Tân - Trưởng Bộ môn Lão khoa, Đại học Y dược TP.HCM, đã nhấn mạnh rằng việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi không chỉ dừng lại ở việc điều trị bệnh. Bên cạnh việc đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh, chúng ta cần quan tâm hơn đến việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người cao tuổi, giúp họ hòa nhập cộng đồng và duy trì tinh thần lạc quan. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội và cộng đồng.

Già hóa dân số diễn ra với tốc độ rất nhanh, chịu tác động rất nhiều từ mức sinh thấp, mức chết thấp và tuổi thọ trung bình tăng rất nhanh. Bên cạnh nâng cao chất lượng chăm sóc, mở các ngành đào tạo nhân viên chăm sóc hỗ trợ cộng đồng, cần có chính sách khuyến sinh thích hợp. 

Tiến sĩ Nguyễn Thị Toàn Thắng - Trưởng Bộ môn Công tác xã hội, Xây dựng Đảng Học Viện Cán bộ TP.HCM nhận định rằng người cao tuổi cần có sự kết nối cộng đồng, giữa các thành viên gia đình, và qua đó, thể hiện được vai trò theo năng lực của họ.

Thành phố cần chủ động để thích ứng với già hóa dân số

Việc chuẩn bị cho một Thành phố đang có dân số già đi là cần thiết, để chủ động thích ứng như các quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức,… Các đại biểu đã bàn đến các chính sách khuyến khích người cao tuổi có trình độ tri thức tham gia vào lực lượng lao động, đóng góp bề dày kinh nghiệm cho việc phát triển kinh tế xã hội của Thành phố. Bên cạnh đó, tích cực tạo điều kiện để người cao tuổi hòa nhập cộng đồng giúp họ không chỉ sống thọ mà còn sống vui, sống khỏe, sống có ích. 

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: