Bê bối thực phẩm chức năng Kobayashi

VĂN PHÚC - KIM NGÂN - MAI LAN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 7/4/2024, 17:24

(HTV) - Ảnh hưởng của vụ bê bối thực phẩm chức năng Kobayashi vẫn đang lan rộng tại Nhật Bản. Sản phẩm chứa gạo men đỏ Kobayashi đã khiến 5 người tử vong, hơn 100 ca nhập viện khác và khiến 33.000 doanh nghiệp chịu tổn thất.

Nhà máy của Kobayashi bị kiểm tra, nằm ở thành phố Osaka, miền Tây Nhật Bản. Đây là nơi sản xuất thành phần của sản phẩm thực phẩm chức năng có chứa men gạo đỏ "beni-koji" của công ty.

Nhà máy Kobayashi ở Osaka, miền Tây Nhật Bản. Nguồn ảnh: AP

Đoàn thanh tra Bộ y tế Nhật Bản kiểm tra các nhà máy của Kobayashi. Nguồn ảnh: AP

Nhà máy này đã đóng cửa vào tháng 12 năm ngoái do hạ tầng cũ kỹ. Dù vậy, theo số liệu thống kê, khoảng 1 triệu thùng hàng đã được bán ra trong 3 năm qua. Công ty cũng bán men gạo đỏ "beni-koji" cho các nhà sản xuất khác và một số sản phẩm đã được xuất khẩu.

Sau đó, Bộ Y tế Nhật Bản đã kiểm tra thêm một cơ sở khác ở tỉnh Wakayama, đồng thời cho biết hoạt động thanh tra có thể mở rộng sang các cơ sở khác của công ty.

Sản phẩm beni-koji choleste help bị thu hồi. Nguồn ảnh: Japan Times

Hãng đã thông báo thu hồi 5 nhóm sản phẩm, trong đó có 300.000 gói thực phẩm chức năng "beni-koji choleste help".

Cho đến nay, đã có 5 trường hợp tử vong, hơn 110 người nhập viện và khoảng 680 người thông báo muốn điều trị ngoại trú do có các triệu chứng nghi liên quan sản phẩm thực phẩm chức năng men gạo đỏ của Kobayashi.

Bộ Y tế Nhật Bản cho rằng các chất bổ sung có thể là nguyên nhân gây ra tử vong và những vấn đề sức khỏe, đồng thời cảnh báo số người bị ảnh hưởng có thể tăng lên.

Chủ tịch hãng Kobayashi cúi đầu xin lỗi trong cuộc họp báo. Nguồn ảnh: AP

Tại cuộc họp báo về vấn đề này, Chủ tịch hãng Kobayashi cho biết: "Chúng tôi gửi lời xin lỗi sâu sắc vì những lo ngại liên quan đến vấn đề bệnh thận mà người tiêu dùng mắc phải khi sử dụng sản phẩm men gạo đỏ do công ty chúng tôi sản xuất. Điều quan trọng nhất bây giờ là xác định nguyên nhân chính xác của các trường hợp mắc bệnh và mối liên hệ của nó với các sản phẩm của chúng tôi".

Kobayashi cũng cam kết phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra của chính phủ và đưa ra những phản hồi chính xác.

Tuy nhiên cách xử lý của những người đứng đầu Kobayashi được người dân đánh giá là yếu kém

Kobayashi xin lỗi vụ men gạo đỏ, dân Nhật phẫn nộ

Các nghiên cứu khẳng định gạo men đỏ beni-koji đóng vai trò như một chất thay thế cho statin để hạ mức cholesterol cao, nhưng cũng cảnh báo nguy cơ tổn thương nội tạng tùy thuộc vào thành phần hóa học của nó.

Men gạo đỏ: Lợi ích và nguy cơ tiềm ẩn

Men gạo đỏ, hay Beni-koji, từ lâu đã được sử dụng làm màu thực phẩm, trong sản xuất và chế biến đồ uống lên men.

Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã phát hiện một thành phần có tác dụng làm giảm cholesterol, được gọi là monacolin K, từ nấm mốc vào những năm 1970. Ngoài ra, loại gạo men này còn chứa chất chống oxy hóa, axit amin và các enzym có lợi, mang lại sức khỏe tổng thể và tinh thần vui vẻ.

Lợi ích của beni-koji khiến nó ngày càng phổ biến, và xuất hiện trong nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe.

Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, quá trình lên men beni-koji có thể tạo ra citrinin, một chất chuyển hóa độc hại gây bệnh thận.

Các sản phẩm có chứa men gạo đỏ của Kobayashi. Nguồn ảnh: Japan Times

Ủy ban An toàn Thực phẩm Nhật Bản cho biết Châu Âu đã báo cáo một số người bị tổn hại sức khỏe do sử dụng thực phẩm chức năng chứa beni-koji. EU từng đặt giới hạn tiêu chuẩn citrinin trong thực phẩm tốt cho sức khỏe.

Phản hồi báo cáo này, Kobayashi đã kiểm tra các thành phần trong beni-koji và kết luận nó không chứa citrinin.

Bên cạnh đó, Kobayashi thông báo đã tìm thấy puberulic acid trong các lô sản phẩm có vấn đề. Đây là một chất kháng khuẩn và chống sốt rét mạnh, có thể gây độc. Dù vậy, công ty cho biết vẫn chưa thể kết luận chất này có liên quan đến sự cố hiện nay hay không.
Ngoài sản phẩm của Kobayashim, Nhật cũng thu hồi hơn 40 sản phẩm chứa beni-koji của các công ty khác, gồm tương miso, bánh quy giòn và nước sốt giấm.

Đây là lần đầu tiên một nhà sản xuất thuốc tại Nhật Bản công khai thông báo thiệt hại về sức khỏe và tự nguyện thu hồi sản phẩm kể từ khi hệ thống dán nhãn thực phẩm chức năng được áp dụng tại quốc gia này vào năm 2015.

Hiện chưa rõ nguyên nhân gây bệnh là do thành phần sản phẩm hay do quy trình sản xuất bị lỗi. Tuy nhiên, Kobayashi vẫn phải đối mặt với nhiều lời chỉ trích vì đã quá chậm trễ trong việc báo cáo vấn đề.

Các trường hợp nhập viện do sử dụng các loại thực phẩm chức năng được bán ở Nhật Bản, trong đó có sản phẩm “Beni Koji Choleste Help”.

Sản phẩm này được sản xuất từ tháng 4 đến tháng 10/2023, với quảng cáo sẽ giúp người dùng giảm cholesterol.

Men gạo đỏ: Lời cảnh tỉnh từ chuyên gia

Vụ bê bối của hàng Kobayashi không phải là duy nhất. Trong quá khứ, đã từng có không ít thực phẩm chức năng có xuất xứ từ các quốc gia lớn như Trung Quốc, Mỹ... dính vào bê bối chứa chất độc, chất cấm. Nổi bật có vụ bê bối liên quan 4 hệ thống bán lẻ lớn tại Mỹ GNC, Target, Walgreens và Wal-Mart bị phát hiện bán thực phẩm chức năng kém chất lượng, không đạt chuẩn năm 2015 với sản phẩm thực phẩm chức năng bổ não ginkgo biloba.

33.000 doanh nghiệp ở Nhật Bản có thể bị ảnh hưởng sau vụ bê bối thực phẩm chức năng chứa gạo men đỏ của hãng Kobayashi. Trong đó, các nhà bán lẻ thực phẩm và đồ uống chiếm tỷ trọng lớn nhất. Hơn 5.000 nhà bán lẻ, khoảng 3.800 doanh nghiệp y tế và hơn 3.100 nhà hàng… cũng chịu tác động nặng nề.

Nhằm ngăn chặn những vụ việc tương tự như Kobayashi, Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu các cơ quan chức năng đánh giá lại hệ thống phê duyệt sản phẩm trước khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng cảnh báo người tiêu dùng không sử dụng những sản phẩm có chứa gạo men đỏ của Kobayashi thông qua các kênh bán hàng không chính thức, đồng thời theo dõi thông tin, hoặc tham vấn bác sĩ trước khi sử dụng các loại thực phẩm chức năng. 

 >>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

Ý kiến của bạn: