Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định lan tỏa tinh thần ngoan cường, bất khuất của Quân đội nhân dân Việt Nam

MINH TÒNG - KIM LOAN - TRÚC QUỲNH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 22/8/2023, 22:00

(HTV) - Biệt động Sài Gòn ra đời trong cao trào Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Các chiến sĩ vừa làm nhiệm vụ tác chiến tiêu diệt địch, vừa làm trinh sát, liên lạc, phát động quần chúng, gây dựng cơ sở.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định tại số 145 Trần Quang Khải, Quận 1, TP.HCM

Lịch sử Biệt động Sài Gòn gắn liền những tên tuổi mà cuộc đời và chiến công của họ đã đi vào huyền thoại như Phạm Văn Hai, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Văn Tăng, Trần Văn Ðang, Lê Văn Việt, Ðỗ Tấn Phong,...

Mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã ký quyết định cấp giấy phép hoạt động Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định tại số 145 Trần Quang Khải, Quận 1 và dự kiến khánh thành vào ngày 27/8 sắp tới.

Bảo tàng không những góp phần lưu giữ và lan tỏa ký ức lịch sử độc đáo Biệt động Sài Gòn, mà còn giúp thế hệ trẻ, người dân trong và ngoài nước hiểu thêm về công lao to lớn của tiền nhân trong việc đấu tranh và giành độc lập thống nhất đất nước.

Một số hiện vật tại Bảo tàng

Chiếc xe đạp máy hiệu Velo Solex của Pháp được sản xuất vào thập niên 1950, do chiến sĩ Biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai (hoạt động dưới vỏ bọc nhà thầu khoán Mai Hồng Quế) trao cho nữ giao liên Nguyễn Ngọc Huệ (bí danh Thu Ba) trước năm 1968.

Bà Nguyễn Ngọc Huệ - CLB Truyền thống Kháng chiến khối Vũ trang Biệt động Sài Gòn - Gia Định 

Khi biết tin Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định đi vào hoạt động, bà Huệ đã tình nguyện trao tặng kỷ vật quý này.

Bà Nguyễn Ngọc Huệ - CLB Truyền thống Kháng chiến khối Vũ trang Biệt động Sài Gòn - Gia Định - chia sẻ: “Hồi năm 60, 63, 64 thì bắt đầu đi chiếc xe này, do chú Năm lai đem lên để tiện cho việc đi xa. Mình cảm thấy thương chú”.

Bà Nguyễn Thị Bích Nga - Phó Chủ nhiệm CLB Truyền thống Kháng chiến khối Vũ trang Biệt động Sài Gòn - Gia Định

Theo bà Nguyễn Thị Bích Nga - Phó Chủ nhiệm CLB Truyền thống Kháng chiến khối Vũ trang Biệt động Sài Gòn - Gia Định kể lại: “Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình là khi tham gia vào trận pháo kích đầu tiên, đó là trận Dinh Độc Lập vào ngày 01/11/1966. Tôi nhớ rất rõ khoảnh khắc tôi tham gia vào tổ dự bị để pháo kích vào Dinh Độc Lập. Nhưng điều đặc biệt tôi nhớ nhất không phải là khối lượng vũ khí mà chúng tôi mang theo, mà là khẩu pháo cối 82, chỉ có nòng. Tuy nhiên, với nhiệm vụ được giao, chúng tôi phải cố gắng hết mình để hoàn thành mệnh lệnh”.

“Nhìn vào những vật dụng ngày nay, chúng ta nhớ về những ngày xưa, nhớ về những khoảnh khắc từ khẩu súng cho đến những đồ trang sức khác. Đó là kỷ niệm về những ngày chiến tranh, về những người tham gia, một số trong họ thậm chí còn tham gia vào những trận đánh khốc liệt. Những hình ảnh này vừa cảm động, vừa mang lại niềm vui vì chúng ta có cơ hội trải nghiệm và đóng góp vào việc xây dựng một bảo tàng. Hy vọng rằng bảo tàng này sẽ tập trung thu thập tất cả những đóng góp của quá khứ, từ những năm chiến tranh đầy biến động, để giữ gìn và truyền đạt cho thế hệ tương lai. Đây là nơi con cháu chúng ta có thể nhìn ngắm, học hỏi và gìn giữ ký ức về quá khứ”, bà Trần Thị Kim Tuyến - CLB Truyền thống Kháng chiến khối Vũ trang Biệt động Sài Gòn - Gia Định xúc động chia sẻ.

Bà Trần Thị Kim Tuyến - CLB Truyền thống Kháng chiến khối Vũ trang Biệt động Sài Gòn - Gia Định

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định được giữ nguyên kiến trúc xây dựng từ 1963, nay đã tròn 60 năm tuổi.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nó đã trở thành nơi thực hiện các nhiệm vụ công tác bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn như hội họp, trao đổi thư từ, tài liệu, cung cấp tiền vàng ra chiến khu.

Tại đây có bảy bộ sưu tập hiện vật lịch sử quý giá gắn liền với từng giai đoạn hoạt động cách mạng của ông Trần Văn Lai và lực lượng Biệt động Sài Gòn.

Không gian nơi đây là nơi chứa đựng những kỷ vật quý giá, cũng như trang bị những vũ khí phục vụ cho hoạt động của lực lượng Biệt động Sài Gòn xưa, góp phần không nhỏ vào quá trình giành độc lập và thống nhất đất nước. Hiện nay, công tác chuẩn bị để Bảo tàng hoạt động vào ngày 27/8 sắp tới đang được triển khai một cách nhanh chóng và chặt chẽ.

Bên trong Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định dự kiến đón khách từ 7 giờ 30 đến 17 giờ hằng ngày.

UBND Quận 1 cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tour du lịch "Biệt động Sài Gòn" hằng tuần để mang đến cho du khách trong và ngoài nước những hồi ức đẹp về văn hóa lịch sử TP.HCM nói chung và Biệt động Sài Gòn nói riêng.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: