Chuyên gia đánh giá: Áp lực lạm phát năm 2024 của Việt Nam không quá lớn

HOÀNG HƯƠNG- TIẾN DŨNG - TRÚC QUỲNH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 5/7/2024, 08:00

(HTV) - Bên cạnh những yếu tố có khả năng tạo áp lực lên lạm phát cũng có những yếu tố giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá như hỗ trợ giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, giảm thuế VAT tiếp tục được thực hiện trong năm 2024.

Dự báo lạm phát trung bình cả năm 2024 sẽ xoay quanh mức 3,2 - 3,6%. Thông tin này được chia sẻ tại hội thảo Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2024" do Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính phối hợp với Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính tổ chức tại Hà Nội. 

Tại hội thảo, các chuyên gia cùng chia sẻ nhận định, dự báo kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2024 sẽ tiếp tục diễn biến tích cực khi đà phục hồi tăng trưởng kinh tế vẫn được duy trì, các nền tảng kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định.

Theo Cục quản lý giá, 6 tháng đầu năm, xu hướng tăng giá diễn ra tập trung vào các tháng Tết, nhưng sang đến tháng 3/2024, CPI đã quay đầu giảm và xu hướng ổn định. Cụ thể: so với cuối năm 2023, CPI mới chỉ tăng 1,40%, tương đương trung bình khoảng 0,23%/tháng. Nếu xét riêng trong quý 2/2024, CPI chỉ tăng trung bình 0,1%/tháng. Đây đều là các mức vừa phải trong 5 năm gần đây. 

Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính nhận định: "Nếu chúng ta nhìn vào lạm phát cùng kỳ hoặc là lạm phát trung bình thì thấy nó khá cao nhưng đó là do chịu tác động của các cuộc điều chỉnh giá quy mô lớn thì lạm phát so với cùng kỳ sẽ giảm mạnh trong quý 3 năm 2024 khi hiệu ứng tăng giá dvu y tế của cuối năm ngoái triệt tiêu đi".

Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính

Dự báo lạm phát trong năm 2024, các chuyên gia đưa ra 3 kịch bản lạm phát. Theo đó, trong kịch bản cao, giá dầu tăng nhẹ, tỷ giá ổn định, CPI tăng trung bình 0,23%/tháng trong 6 tháng cuối năm 2024 (tương đương mức tăng trong 6 tháng đầu năm 2024), lạm phát trung bình cả năm 2024 sẽ ở mức 3,6%. Trong 2 kịch bản còn lại, mức lạm phát cũng dao động trong khoảng 3,2 đến 3,4%. 

"Nhà nước phải điều hành hài hòa giữa tăng trưởng và lạm phát. Thứ 2 là chính sách tiền tệ linh hoạt, công tác quản lý giá hài hòa và có chế tài xử lý nghiêm minh, răn đe với người tát nước theo mưa" Tiến sĩ Ngô Trí Long - Chuyên gia Kinh tế cho hay.

Tiến sĩ Ngô Trí Long - Chuyên gia Kinh tế

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia Kinh tế chia sẻ: "Đối với lạm phát chi phí đẩy thì việc tăng chi phí dv đầu vào cần có lộ trình để tránh tình trạng thực hiện dồn dập nó làm tăng vọt cái chi phí đẩy, tăng lạm phát cầu kéo. Lạm phát tiền tệ thì cần kiểm soát thì tránh việc tăng lượng tiền đột ngột vào thị trường, làm tăng vọt thanh khoản dẫn đến lạm phát tiền tệ".

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh vai trò của các bộ, ngành, địa phương cần chủ động chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, đánh giá kỹ tác động để thực hiện điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức độ điều chỉnh phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường trong những tháng cuối năm.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

Ý kiến của bạn: