(HTV) - Hôm nay, Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2025 – 2027.
Nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người.
Các đại biểu đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Theo báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phước trình bày, năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội chịu nhiều tác động từ các yếu tố trong nước và ngoài nước. Đặc biệt ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, nhất là bão số 3 đã gây thiệt hại lớn đến nền kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực đến GRDP của nhiều địa phương,... Trong bối cảnh đó, tình hình phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024 vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan. Tổng thu ngân sách năm 2024, dự toán thu là 1,79 triệu tỷ đồng. Cả năm thực hiện đạt 1,87 triệu tỷ đồng, vượt 172.300 tỷ đồng, tăng 10,1% so với dự toán.
Năm 2025, để đảm bảo hiệu quả thu chi ngân sách, Phó Thủ tướng cho rằng cần tiếp tục yêu cầu các bộ ngành và cơ quan Trung ương phấn đấu tiết kiệm chi thường xuyên thêm 10%, giảm bội chi ngân sách.
Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ bám sát hơn vào các Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024 của Quốc hội để đánh giá và báo cáo rõ những kết quả đạt được, cũng như những tồn tại, hạn chế; chỉ rõ nguyên nhân và đề xuất, kiến nghị cụ thể để hoàn thành các nhiệm vụ được Quốc hội giao.
Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đại biểu bày tỏ lo ngại việc quy định giá bán dự kiến với thuốc kê đơn có thể dẫn đến nguy cơ độc quyền thị trường và tăng giá bán lẻ, đề nghị phải quản lý giá của tất cả các loại thuốc.
Bà Trần Thị Nhị Hà - Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội
Bà Trần Thị Nhị Hà - Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội chia sẻ: "Trong trường hợp cơ sở nhập khẩu thuốc xác định mức giá bán buôn dự kiến rất thấp và thành lập chuỗi nhà thuốc về quán lẻ, sau đó đẩy giá thuốc tăng lên một hệ thống bán lẻ. Đây chính là kênh bán hàng trực tiếp cho người dân và người dân vẫn phải mua thuốc giá cao. Dự thảo quy định tại Điều 107 chỉ công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến với thuốc kê đơn. Vậy một câu hỏi đặt ra đối với thuốc không kê đơn của cơ sở nhập khẩu và cơ sở sản xuất thì quản lý giá thế nào? Tôi cho rằng khi quản lý về giá thì phải quản lý giá của tất cả các loại thuốc".
Các đại biểu cũng nêu nhiều vấn đề còn tồn tại trong dự thảo sửa đổi Luật Dược, liên quan đến quản lý số lượng đăng ký thuốc, ưu đãi cho doanh nghiệp dược trong nước, quản lý hệ thống phân phối và bán lẻ thuốc, đấu thầu thuốc,…
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Đại biểu Quốc hội TP.HCM
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Đại biểu Quốc hội TP.HCM chia sẻ: "Chúng ta như vùng trũng thế giới, nước nào cũng có thể xuất khẩu thuốc vào chúng ta. Các số đăng ký trong nước trùng lặp rất nhiều, với 800 hoạt chất và 22.000 số đăng ký thuốc, quá nhiều nếu so sánh với các quốc gia khác. Cho nên phải có chủ trương trong luật về vấn đề này, phải hạn chế số đăng ký để quá trình cấp số đăng ký được hoàn chỉnh hơn, tốt hơn, bớt tiêu cực hơn, chứ không phải chúng ta chỉ đưa ra những cam kết về cải cách hành chính".
Bên cạnh đó, tán thành với việc cho phép bán thuốc thông qua giao dịch điện tử như dự thảo, nhưng nhiều đại biểu nhấn mạnh cần có quy định chặt chẽ hơn.
Cuối phiên thảo luận, thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình thêm một số nội dung mà đại biểu quan tâm, trong đó nhấn mạnh các giải pháp được đưa vào dự thảo Luật nhằm giải quyết triệt để tình trạng thiếu thuốc, đảm bảo quyền lợi của người dân về tiếp cận thuốc.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9