(HTV) - TP.HCM hiện có 128 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đang hoạt động, đóng vai trò quan trọng trong việc cung ứng thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh và góp phần ổn định thị trường nông sản cho người dân thành phố.
Hợp tác xã Nông nghiệp Tuấn Ngọc (TP. Thủ Đức)
Tuy nhiên, để các HTX phát triển bền vững và hiệu quả hơn, rất cần những chính sách hỗ trợ cụ thể từ chính quyền và các tổ chức liên quan – đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển mình mạnh mẽ theo định hướng kinh tế tư nhân.
Nhu cầu thiết thực từ thực tế sản xuất
Là một trong những HTX tiên phong trong sản xuất rau thủy canh tại TP.HCM, Hợp tác xã Nông nghiệp Tuấn Ngọc (TP. Thủ Đức) được thành lập từ năm 2017 và đã từng bước khẳng định được vị thế trong lĩnh vực rau sạch. Tuy nhiên, theo ông Lâm Ngọc Tuấn – Giám đốc HTX, việc mở rộng sản xuất vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là về vốn.
Ông Lâm Ngọc Tuấn – Giám đốc HTX
“Với HTX, nguồn vốn rất quan trọng trong kế hoạch mở rộng. Chúng tôi cần nguồn vốn trung và dài hạn, với lãi suất ưu đãi được kéo dài để thành viên HTX có thời gian tạo lợi nhuận và trả nợ. Hiện nay, thời hạn ưu đãi chỉ 2 năm là quá ngắn, gây nhiều khó khăn khi trở về mức lãi suất thông thường”, ông Tuấn chia sẻ.
Không chỉ sản xuất trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. HTX Chăn nuôi Dê Đa Phước (huyện Bình Chánh) hiện vẫn phải duy trì quy mô nhỏ do thiếu nguồn lực đầu tư công nghệ và máy móc hiện đại.
“Trước mắt, việc đầu tư công nghệ hiện đại vẫn còn khó khăn nên chúng tôi chỉ có thể đầu tư nhỏ lẻ, chưa thể mở rộng quy mô sản xuất như mong muốn”, ông Lê Minh Hải - Giám đốc HTX cho biết.
Vốn, mặt bằng và tiêu thụ: 3 “nút thắt” cần tháo gỡ
Nhiều HTX tại TP.HCM cùng chung một nỗi trăn trở: khó tiếp cận vốn, thiếu mặt bằng sản xuất ổn định, và gặp khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm. Do đó, việc phát triển HTX không thể tách rời sự hỗ trợ và phối hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân.
HTX Chăn nuôi Dê Đa Phước (huyện Bình Chánh)
Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM nhận định: “Có ba chính sách rất quan trọng để phát triển nông nghiệp: chuyển đổi khoa học kỹ thuật (đặc biệt là chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ), đào tạo công nghệ mới cho nông dân, và chính sách vốn. TP.HCM đã ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai các chương trình hỗ trợ này”.
Bên cạnh đó, việc thu hút lực lượng lao động trẻ và có chuyên môn về làm việc tại các HTX cũng là một chiến lược dài hạn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
“Mỗi HTX cần ít nhất 2 cán bộ chuyên môn để hỗ trợ chuyên sâu. Ngoài ra, chính sách liên kết sản xuất – tiêu thụ hiện có mức hỗ trợ 300 triệu đồng cho việc xây dựng mô hình liên kết và khoảng 10 tỷ đồng/dự án cho cơ sở hạ tầng, kho bãi”, ông Lê Tuấn Tài - Phó Chủ tịch Liên minh HTX TP.HCM cho biết.
Ông Lê Tuấn Tài - Phó Chủ tịch Liên minh HTX TP.HCM
Hướng đến mô hình HTX kiểu mới, tự chủ và hiện đại
Trong định hướng phát triển sắp tới, HTX không chỉ còn là hình thức liên kết sản xuất truyền thống, mà cần trở thành đơn vị kinh tế tự chủ, vận hành hiệu quả theo mô hình kinh tế tư nhân. Việc tích hợp công nghệ hiện đại, mở rộng thị trường tiêu thụ, đồng thời tối ưu hóa nguồn lực từ cả Nhà nước và tư nhân sẽ là chìa khóa để HTX phát triển bền vững.

HTX không chỉ còn là hình thức liên kết sản xuất truyền thống, mà cần trở thành đơn vị kinh tế tự chủ, vận hành hiệu quả theo mô hình kinh tế tư nhân
Chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc phát triển kinh tế tư nhân như một động lực quan trọng trong nền kinh tế càng làm rõ vai trò của HTX trong giai đoạn mới: không còn chỉ “trồng rau, nuôi dê”, mà còn phải biết kết nối thị trường, quản trị hiệu quả và tạo ra chuỗi giá trị bền vững.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9