10 dấu ấn nổi bật của TP.HCM năm 2023

KIM LOAN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 1/1/2024, 23:00

(HTV) - TP.HCM vừa công bố 10 dấu ấn nổi bật năm 2023. Những kết quả đạt được minh chứng cho quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM vượt qua khó khăn, thách thức.

Năm 2023 là năm bản lề có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tăng tốc và tạo đà phát triển TP.HCM cho hai năm còn lại của nhiệm kỳ. Đây cũng là dấu mốc quan trọng khi nghị quyết 98 được Quốc hội bấm nút thông qua. 

 

1. Triển khai nhanh chóng việc thực hiện các nghị quyết của trung ương vì sự phát triển của TP.HCM

Đó là Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, đặc biệt nghị quyết 98. Ngay sau khi được Quốc hội thông qua, HĐND TP.HCM đã nhanh chóng ban hành Nghị quyết 18 cụ thể hóa rất nhiều cơ chế, chính sách để làm căn cứ triển khai thực hiện nghị quyết 98.

TP.HCM đã thành lập Sở An toàn thực phẩm; phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ cho TP. Thủ Đức nhằm tăng cường tính chủ động, linh hoạt trong giải quyết công việc, thủ tục cho người dân, doanh nghiệp,…

2. Xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính quyền hiệu quả, hiệu lực

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được xác định là nhiệm vụ then chốt, là công việc hệ trọng. Thành ủy TP.HCM quán triệt đến các cấp ủy, đảng viên nâng cao trách nhiệm, quyết tâm chính trị, tinh thần tự giác, gương mẫu của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên. 

TP.HCM đã tập trung tổ chức sơ kết, biểu dương, tôn vinh, tuyên truyền nhân rộng các gương điển hình có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Qua 3 năm thực hiện nghị quyết 131 và nghị quyết 1111, bộ máy hành chính đã trở nên tinh gọn, giảm bớt cấp chính quyền, cắt giảm thủ tục hành chính.

3. Thực hiện quyết liệt các giải pháp vực dậy kinh tế, đạt những kết quả tích cực, khả quan

Trong bối cảnh chung, bức tranh kinh tế TP.HCM từng có giai đoạn ảm đạm, quý 1-2023, GRDP chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ, nhiều chỉ số tăng trưởng âm. Trước tình hình này, lãnh đạo TP và cả hệ thống chính trị quyết tâm, nỗ lực, kịp thời đề ra hàng loạt giải pháp trọng tâm, cấp bách để tháo gỡ, vực dậy nền kinh tế. Nhờ đó, GRDP quý 2 vượt lên 5,8%, quý 3 là 6,7%.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, song kinh tế - xã hội TP.HCM đã có nhiều điểm sáng, tạo động lực để TP.HCM phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng đề ra. TP cũng xác định mở rộng liên kết vùng là phát huy tiềm năng, thế mạnh vùng Đông Nam Bộ.

4. Diễn đàn kinh tế TP.HCM "Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0"

Điểm nhấn là trao bản ký kết tuyên bố chung giữa lãnh đạo TP.HCM với chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Việc này góp phần giúp TP.HCM và Việt Nam tiếp cận các nguồn lực, kinh nghiệm cũng như tham gia các chương trình toàn cầu của WEF.

5. Vành đai 3 và nhiều dự án hạ tầng trọng điểm được triển khai cùng nhiều công trình khác được tái khởi động, khánh thành phục vụ người dân

Dự án xây dựng đường vành đai 3 là công trình giao thông lớn nhất phía Nam, được khởi công vào tháng 6/2023. Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức chạy thử nghiệm trên toàn tuyến với tổng 14 ga. Khởi công dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.

Bên cạnh những công trình trọng điểm như: nút giao An Phú, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất,… đã được triển khai, thì nhiều công trình hạ tầng quan trọng phục vụ dân sinh khác đã được TP.HCM tái khởi động và khánh thành đưa vào sử dụng trong năm 2023.

6. Chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp - những điểm sáng. Cải cách hành chính hướng đến phát triển kinh tế, phục vụ người dân, doanh nghiệp

TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, đưa vào vận hành hiệu quả nhiều dịch vụ số phục vụ người dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội như: nâng tỉ lệ các dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 100% cho các thủ tục đủ điều kiện; vận hành hệ thống quản trị, thực thi Thành phố trên các nền tảng số; ra mắt nền tảng Bản đồ số TP.HCM; nhiều dịch vụ đô thị thông minh lĩnh vực giao thông, cảnh báo ngập lụt, ô nhiễm môi trường, y tế, giáo dục và các dịch vụ công cộng thanh toán không dùng tiền mặt; năm cao điểm nước rút cấp căn cước công dân gắn chip điện tử và chiến dịch cấp tài khoản định danh điện tử trong thực hiện đề án 06 nhằm phục vụ chuyển đổi số,…

Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn đã được thành lập vào ngày 6/9. Đây là một khởi đầu hứa hẹn trong công tác xúc tiến đầu tư vào các ngành công nghiệp có vị trí chiến lược như công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn.

Năm 2023, UBND TP.HCM tiếp tục triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương năm 2023 (DDCI). TP.HCM đã phê duyệt 740 thủ tục dịch vụ công trực tuyến. Hơn 22,4 triệu hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết trong năm 2023, hồ sơ trên 99%.

7. Chăm lo phát triển và đầu tư cho y tế - giáo dục - công tác giảm nghèo bền vững, đảm bảo quyền an sinh của người dân

Chương trình đưa bác sĩ trẻ thực hành 18 tháng tại bệnh viện gắn liền với trạm y tế là một trong các giải pháp củng cố chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở.

Sở Y tế đã triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán hình ảnh X-quang phổi và hội chẩn từ xa (telemedicine) tại Trung tâm Y tế xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, giúp người bệnh được chẩn đoán chính xác, nhanh chóng và được điều trị đúng phác đồ. Triển khai thí điểm khám sức khỏe, phát hiện bệnh không lây nhiễm ở người từ 60 tuổi trở lên.

TP.HCM sẽ chi gần 150 tỷ đồng mỗi năm để khám sức khỏe miễn phí cho trên 1 triệu người cao tuổi nhằm "đánh chặn" bệnh tật từ xa, giảm chi phí điều trị và tăng chất lượng sống cho người cao tuổi.

Ngân sách dành cho giáo dục được xem xét ưu tiên tăng theo từng năm, hiện chiếm 28% ngân sách chi thường xuyên và 20% ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản của TP.HCM. Năm học 2023-2024 Thành phố sẽ chi 1.847 tỷ đồng để hỗ trợ học phí, nhằm chia sẻ gánh nặng với phụ huynh và học sinh. Đặc biệt, học sinh THCS trên địa bàn sẽ được miễn học phí 100%.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, TP.HCM còn 8.410 hộ nghèo, chiếm 0,3% và 14.498 hộ cận nghèo, chiếm tỉ lệ 0,5%. Với kết quả này, Thành phố hoàn thành vượt mức chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM trước thời hạn 2 năm.

8. Du lịch TP.HCM phục hồi và tăng trưởng mạnh

Chuỗi hoạt động văn hóa - giải trí - nghệ thuật đặc sắc diễn ra bên dòng sông Sài Gòn, không chỉ giúp phát huy tiềm năng vốn có và khai thác tối đa giá trị kinh tế, văn hóa, du lịch của sông Sài Gòn mà còn giúp định vị thương hiệu đô thị sông nước giàu bản sắc của TP.HCM.

Chương trình tham quan trụ sở HĐND - UBND TP.HCM được đánh giá là hoạt động có ý nghĩa, thể hiện sự cởi mở của chính quyền TP. Bên cạnh đó còn có nhiều lễ hội như lễ hội áo dài, lễ hội đua ghe ngo, lễ hội đường sách Tết Quý Mão 2023 tại tuyến đường Lê Lợi,… Các lễ hội đã tạo nên dấu ấn rất riêng về TP.HCM cho người dân và du khách.

9. An ninh quốc phòng giữ vững, an ninh trật tự xã hội ngày càng an toàn hơn

Năm 2023, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Các loại tội phạm trên địa bàn TP.HCM được ngăn chặn, triệt phá hiệu quả. Đặc biệt đã phát hiện và khởi tố 48 vụ án tội mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy qua tuyến đường hàng không, thu giữ hơn 370kg ma túy các loại cùng nhiều vật chứng liên quan.

Lực lượng công an và lực lượng vũ trang chủ động phòng ngừa và tích cực phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm minh, kịp thời, không có vùng cấm, không có ngoại lệ với những hành vi vi phạm chủ quyền an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời chủ động phòng ngừa, phát hiện xử lý nghiêm những hành vi tham nhũng, tiêu cực và bao che, dung túng, tiếp tay cho tội phạm và vi phạm pháp luật.

10. Tích cực đa dạng hóa quan hệ hữu nghị, đưa hợp tác quốc tế đi vào thực chất, hiệu quả

TP.HCM hiện có mối quan hệ hữu nghị đặc biệt với 58 địa phương trên thế giới. Có thể nói năm 2023 là năm có nhiều hoạt động đối ngoại sôi động của các lãnh đạo TP.HCM.

Tháng 10/2023, Sở Ngoại vụ đã tổ chức cuộc thi thiết kế biểu tượng hữu nghị TP.HCM. Phác thảo thiết kế công trình "TP.HCM - Thành phố hữu nghị toàn cầu" là biểu tượng mở, với ý nghĩa TP.HCM sẽ tiếp tục kết nghĩa với nhiều thành phố khác trên thế giới để mở rộng quan hệ, tăng tính kết nối, nâng tầm hiểu biết lẫn nhau, cùng xây dựng một thế giới hòa bình, hữu nghị và tốt đẹp hơn.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: