Vướng mắc nào khiến sản phẩm nghiên cứu khoa học khó bước ra thị trường?

NGỌC QUÍ - TRẦN TÚ - MINH TẤN - PHONG TRẦN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 20/12/2023, 18:00

(HTV) - Thực tế hiện nay, các viện, trường công lập còn gặp nhiều khó khăn trong quản lý và khai thác tài sản trí tuệ; nhiều kết quả, sản phẩm sáng tạo chưa được quan tâm đăng ký, bảo hộ để để trở thành hàng hóa có thể mua bán được.

Trong hành trình thực hiện định hướng "đến năm 2025 TP.HCM trở thành đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, đi đầu trong đổi mới sáng tạo", TP.HCM đặt mục tiêu tỷ trọng giao dịch công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học đạt trên 40% trong tổng giao dịch công nghệ có nguồn trong nước. Để tránh tình trạng lãng phí "chất xám" như nhiều năm qua, một số viện, trường đã nỗ lực thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học và mang về nguồn thu đáng kể, vừa tạo kinh phí hoạt động, vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội bằng nội lực quốc gia. 

Nỗ lực thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học và mang về nguồn thu đáng kể

Naroma - Nước hoa công nghệ Nano chính là sản phẩm mà các bạn sinh viên trường Đại học Bách khoa, ĐHQG TP.HCM đang tìm kiếm nhà đầu tư trên thị trường. Dù đã đạt được khá nhiều thành tích trong các cuộc tranh tài về khoa học công nghệ của TP.HCM, song cũng như các dự án khác, hành trình thương mại hóa hiện tại chỉ mới dừng ở bước hoàn thiện sản phẩm và kì vọng vào nỗ lực kết nối từ Trung tâm uơm tạo DN của nhà trường.

Anh Phạm Kim Quốc Cường - Sáng lập nhóm dự án Naroma, sinh viên Ngành Kỹ thuật Hóa học, Trường Đại học Bách Khoa, ĐHQG TP.HCM chia sẻ: "Trung tâm ươm tạo DN có rất nhiều chuyên gia từ kỹ thuật, R&D để mình có thể xin ý kiến thầy cô tư vấn. Đồng thời, mình có thể tận dụng hệ thống phòng thí nghiệm và nguồn nhân lực là sinh viên để luôn cải thiện sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường".

Thiếu hụt kinh phí - Thách thức của hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Với mô hình thành lập Trung tâm ươm tạo, Đại học Bách khoa TP.HCM là một trong các viện, trường tạo được hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, và kiếm được nguồn thu hàng chục tỷ đồng từ thương mại hóa thành quả từ nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, điểm sáng này hiện rất hiếm hoi trên bản đồ chung toàn quốc. 

Giải pháp nâng cao tỷ lệ sản phẩm nghiên cứu khoa học

Theo các chuyên gia, hiện nay, một nghịch lý đang tồn tại là doanh nghiệp cần công nghệ còn trường đại học có các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ có giá trị, nhưng khó triển khai hợp tác vì sự thiếu đồng bộ giữa các quy định pháp lý. Trong đó, nhà nước và các cơ quan hữu quan vẫn đóng vai trò "nhạc trưởng'. 

Theo Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), hằng năm, các trường đại học đóng góp khoảng 16.000 kết quả nghiên cứu, chiếm 80% kết quả nghiên cứu của cả nước. Tuy nhiên, việc chuyển giao công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu của giảng viên vào ứng dụng trong thực tiễn chỉ khoảng 10%. Làm sao tránh bài toán lãng phí chất xám vẫn là bài toán cần lời giải của cả 3 nhà: Nhà nước - nhà trường và nhà đầu tư, doanh nghiệp.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: