Bộ Y tế đã phê duyệt 23 cơ sở y tế được phép thực hiện ghép tạng. Việt Nam đã triển khai hiệu quả kỹ thuật ghép 6 bộ phận cơ thể người gồm: Thận, gan, phổi, tim, tụy, chi thể.
Ông Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Khoa học ghép thận, diễn ra ngày 19/3 tại Hà Nội.
Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện ca ghép tim cho một bệnh nhân. Nguồn ảnh: Vietnamplus
Phát biểu tại Hội nghị, ông Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho hay đơn vị này thường xuyên thực hiện những ca ghép tạng nói chung và ghép thận nói riêng.
Trong đó, công tác ghép thận được Bệnh viện tổ chức triển khai từ năm 2002, với quy trình đơn giản nhất. Đến nay, bệnh viện đã tiến hành ghép thận thường quy với khoảng 100 ca ghép mỗi năm.
“Về mặt kỹ thuật, công tác ghép tạng không quá khó trong ngoại khoa, tuy nhiên ghép tạng và ghép thận đòi hỏi công tác tổ chức, phối hợp giữa các bộ phận nhuần nhuyễn. Bên cạnh thời điểm ghép, công tác theo dõi điều trị cho bệnh nhân sau ghép quan trọng để duy trì sự sống lâu dài cho người bệnh. Đặc biệt, song song với ghép tạng, nhiều câu lạc bộ người đã ghép tạng, đang chờ ghép đã được thành lập để các bệnh nhân chia sẻ kinh nghiệm với nhau dưới sự hướng dẫn của bác sĩ rất tốt,” Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phân tích.
Ông Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế). Nguồn ảnh: Vietnamplus
Ông Vương Ánh Dương cho hay Việt Nam đã thực hiện thành công những ca ghép tạng từ người cho chết não và đang đẩy mạnh số người đăng ký hiến ghép tạng sau khi qua đời. Công tác ghép tạng ở Việt Nam được triển khai theo chiều hướng ngày càng phát triển và chuyên sâu để bắt kịp ngang hàng với những tiến bộ của Thế giới.
Hiện nay, những vấn đề trong công tác ghép thận được giới chuyên môn rất quan tâm tập trung vào các yếu tố để làm tăng miễn dịch, giảm nguy cơ đào thải cao, hay nhiễm trùng. Các bệnh viện tuyến tỉnh khi thực hiện ghép thận vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi chưa có kinh nghiệm cả trước, trong và điều trị sau ghép thận.
“Ghép tạng đã đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều khó khăn như về chi phí ghép và điều trị dài ngày sau đó cho bệnh nhân ghép tạng. Vì vậy, Bộ Y tế đang tham quan học tập nhiều mô hình liên quan đến ghép tạng, điều trị sau ghép cũng như liên quan đến vấn đề chính sách trong nước và quốc tế.
Tất cả những khó khăn đó Bộ Y tế đã ghi nhận để thời gian tới tìm cách tháo gỡ. Bộ Y tế đang tiến hành nghiên cứu sửa đổi Luật hiến ghép mô tạng, xây dựng thông tư về tổ chức và điều phối hiến tạng, tổ chức truyền thông vận động người cho chết não,” ông Dương cho hay.
Các đại biểu tham dự Hội nghị Khoa học ghép thận. Nguồn ảnh: Vietnamplus
Tiến sĩ Nguyễn Thế Cường - Trưởng khoa Thận - Lọc máu (Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức) cho biết tổng số bệnh nhân điều trị sau ghép thận tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đến nay là hơn 1.800 trường hợp, đa số là bệnh nhân ghép thận tại bệnh viện. Trong đó, 67% bệnh nhân ghép thận là nam giới, nữ giới chiếm 37%.
Đáng lưu ý khi có hàng nghìn bệnh nhân đã ghép thận và đang chạy thận có tham gia vào Câu lạc bộ bệnh thận để chia sẻ những kinh nghiệm với nhau trong quá trình điều trị tại bệnh viện.
Trải qua gần 20 năm phát triển, ghép thận tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như: Đời sống của thận ghép 5 năm đạt trên 98,9%, tỉ lệ thận ghép hoạt động 10 năm là 95,7%.
Đặc biệt Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức đã chuyển giao nhiều kỹ thuật ghép thận cho các bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh.
Nguồn: Vietnamplus
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9