Vai trò của báo chí, xuất bản đối với việc quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh

MINH PHƯƠNG - HỒ ĐỨC // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 6/7/2023, 14:14

(HTV) - Ngày 5/7, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đã tổ chức Tọa đàm "Vai trò của báo chí, xuất bản đối với việc quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh".

Tọa đàm là dịp để lãnh đạo Thành phố, lãnh đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục trao đổi, lắng nghe các cơ quan báo chí, xuất bản, các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ, các cán bộ tuyên giáo các cấp... đề xuất các ý kiến, các giải pháp nhằm phát huy tích cực hơn nữa vai trò của báo chí, xuất bản đối với đời sống xã hội. 

Khung cảnh buổi Tọa đàm

Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, nhà báo Nguyễn Tấn Phong - Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM cho biết: "Báo chí, xuất bản đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển của xã hội qua các thời kỳ, có tác động sâu sắc đến mỗi cá nhân cũng như cộng đồng xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay".

Gắn bó và dành nhiều tâm huyết trong trong lĩnh vực xuất bản, Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt - nguyên Giám đốc và Tổng biên tập của Nhà xuất bản Trẻ chia sẻ nhu cầu tìm hiểu về các tác phẩm lịch sử, văn hóa, con người vùng đất Nam Bộ ngày càng tăng cao trong 10 năm trở lại đây. Từ biết, hiểu đến yêu, những người đọc sẽ thấy tự hào và trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc, của Thành phố.

"Thành phố chúng ta rất may mắn có cả một đội ngũ làm sách thì chúng ta cần khai thác, tận dụng nguồn lực này. Tôi xin đề xuất Sở Thông tin và Truyền thông cũng nên khai thác thêm nguồn lực từ các đơn vị xuất bản, các tổ chức để tái bản các công trình giá trị, tiếp tục tìm tòi phát triển và đầu tư thêm cho các bản thảo khai thác chủ đề về lịch sử văn hóa, gợi mở và khuyến khích việc giữ gìn di sản văn hóa Nam Bộ, di sản của văn hóa Thành phố trong xây dựng và phát triển TP.HCM", Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt chia sẻ.

Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt chia sẻ tại Tọa đàm

Ban Tổ chức Tọa đàm đã nhận được 36 tham luận từ các các cơ quan báo chí, xuất bản, các địa phương, đơn vị, một số nhà nghiên cứu. 

Bên cạnh các tham luận với những góc nhìn về vai trò, mối quan hệ giữa báo chí, xuất bản với văn học nghệ thuật và xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nhiều đại biểu đã phân tích sự thích ứng từng ngày của bảo chí trong thời đại số với xu hướng đa nền tảng. Các dự án báo chí về không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần đặc biệt chú trọng đến trải nghiệm của người xem, trong đó có kỹ thuật hình ảnh và kỹ thuật liên quan hình ảnh.

Trong tham luận "Từ mạng xã hội đến báo chí đa nền tảng trong phát triển không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, nhà báo Đức Hiển - Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP.HCM trình bày quan điểm: "Đặt trong bối cảnh không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nếu bỏ qua những cách diễn giải khô khan thì một trong những nhiệm vụ của báo chí cần lan tỏa những điều tử tế trong cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mạng xã hội bên cạnh báo chí cũng là một hình thái truyền thông và có thể đảm đương vai trò quan trọng không kém, thậm chí là cao hơn nếu chúng ta biết tận dụng đúng".

Nhà báo Đức Hiển - Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP.HCM nêu ý kiến trong buổi Tọa đàm

Đối với lĩnh vực truyền hình, hiệu quả tuyên truyền không chỉ cân đong đo đếm bằng số lượng hay thời lượng mà còn bằng chất lượng, tính chân thật của tác phẩm. "Theo tinh thần Nghị quyết 23 đã chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng trên sóng và phát triển trên các hạ tầng khác, đặc biệt là hạ tầng số, tạo lập môi trường văn hóa lành mạnh và khuyến khích các nhà sáng tạo nội dung số. Đòi hỏi người làm truyền hình phải nhạy bén trong nhận diện và phản bác các luận điệu sai trái trên không gian mạng", Thạc sĩ Phan Thị Kim Loan - Ban Chương trình, Đài Truyền hình TP.HCM nhấn mạnh.

Thạc sĩ Phan Thị Kim Loan - Ban Chương trình, Đài Truyền hình TP.HCM chia sẻ tại Tọa đàm

Dưới góc độ làm công tác nghiên cứu, giảng viên Phạm Duy Phúc - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng vị thế và vai trò của báo chí hiện nay đã thay đổi nhiều bởi sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội. "Nếu để báo chí và văn học nghệ thuật tiếp tục phát triển và đảm đương những nhiệm vụ quan trọng là xây dựng và phát triển giá trị văn hóa của dân tộc theo kỳ vọng, thì đòi hỏi sự chuyển biến về chất của hiện thực đời sống, cùng với sự phối hợp của cả hệ thống thiết chế xã hội và sự thay đổi của nhiều thể chế khác", ông Phạm Duy Phúc chia sẻ.

Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Thọ Truyền - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đánh giá cao các tham luận, ý kiến của các đại biểu, đồng thời nhấn mạnh nhiều ý kiến đã đề cao vai trò xây dựng con người mới thông qua các tác phẩm văn học nghệ thuật, đồng thời nêu trách nhiệm của các văn nghệ sĩ, người làm báo, người sử dụng mạng xã hội.

Đồng chí Nguyễn Thọ Truyền - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM phát biểu kết luận

"Trách nhiệm của các cơ quan báo chí, văn hóa là cần tiếp tục có sự quan tâm để có các tác phẩm chân thực, sâu sắc về mọi mặt đời sống của Thành phố. Các cơ quan báo chí cũng cần có sự cân bằng trong các thể loại bài viết, ưu tiên những bài giới thiệu, các bài cổ vũ cho văn hóa nghệ thuật truyền thống để bảo tồn, phát huy những tài sản vô giá mà ông cha ta đã trao truyền. Một số nền tảng số đang chứa đựng hàm lượng thông tin đa chiều không loại trừ các nội dung kích động bạo lực. Do đó các tổ chức, cơ quan cần có sự quản lý chặt chẽ sao cho phù hợp với các quy định của Đảng, của pháp luật và quy chuẩn của từng cơ quan", Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: