Tự sự đầu năm của những người tuyến đầu chống dịch

Nha Trang 26/1/2022, 08:00

Dịch giã như giặc giã, nhiều tầng lớp đã xung phong được trở thành những “chiến sĩ tuyến đầu” trong trận chiến với dịch COVID-19. Qua báo chí, mạng xã hội, chúng ta có thể thấy được rất nhiều tấm gương sáng trong cuộc chiến này.

Nhắc lại hành trình của năm vừa qua, Thạc sĩ, Bác sĩ CKI. Lý Tuấn Anh (công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, điều khiến anh nhớ nhất là quãng thời gian thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến thu dung và điều trị COVID-19 số 6, tọa lạc tại phường An Khánh, thành phố Thủ Đức.

Với bác sĩ Tuấn Anh, đó là những ngày tháng quên ăn quên ngủ khi trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân COVID-19. Anh cho biết, trong giai đoạn ấy, vì sứ mệnh của một bác sĩ làm việc tại Bệnh viện Dã chiến nên không thể ở bên cạnh chăm sóc người vợ đang mang thai đứa con đầu lòng. Nỗi lo lắng khiến anh mất ngủ hằng đêm. Cũng trong thời điểm đó, các bệnh nhân liên tục gọi điện thoại để hỏi tư vấn về tình hình sức khỏe, họ muốn nghe bác sĩ trấn an tinh thần để yên tâm hơn. Có những hôm đến 2 – 3 giờ sáng, chưa kịp đặt lưng nghỉ ngơi thì đã phải thay đồ bảo hộ để chuyển bệnh nhân lên tuyến trên trong trường hợp bệnh trở nặng. Gạt đi những bộn bề, anh đã cùng lực lượng các y, bác sĩ ngày đêm xông pha lao vào trận chiến, đặt quyết tâm chữa trị cho bệnh nhân COVID-19 lên hàng đầu. 

Thạc sĩ, Bác sĩ CKI. Lý Tuấn Anh chữa trị cho bệnh nhân COVID-19 (Ảnh: NVCC)

Đối với Trung úy, Bác sĩ quân y Nguyễn Quang Trung (công tác tại Bệnh viện Quân y 5, Quân khu 3, tỉnh Ninh Bình), năm Tân Sửu cũng là một năm khó quên. Anh xúc động kể lại chuyến hành trình từ miền Bắc vào miền Nam chống dịch và gọi là “chuyến đi đáng nhớ nhất cuộc đời”. Bắt đầu xuất quân vào miền Nam từ ngày 28/8/2021, bác sĩ Trung đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khi công tác xa quê, đến ngày 16/11/2021 anh mới quay trở về nhà.  

Trong thời gian công tác ở TP.HCM, nỗi nhớ nhà khôn nguôi và những áp lực bủa vây trong công việc cũng không thể đánh gục người chiến sĩ quân y mang trong mình khát khao cống hiến cho quê hương, đất nước. Gia đình dù ở xa nhưng luôn động viên, ủng hộ để anh có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ và quan tâm hết mình của chính quyền và nhân dân địa phương từ bữa ăn đến chỗ ngủ, anh cảm thấy ấm lòng trước tình cảm của người dân thành phố. Hình ảnh những bệnh nhân hồi phục sức khỏe và ra viện quay lại gửi những món quà như rau, củ, quả để cảm ơn đội ngũ y, bác sĩ và những tình nguyện viên luôn in đậm trong tâm trí người lính quân y. Qua quá trình công tác, bác sĩ Trung cho biết, anh cảm thấy rất yêu mến người dân nơi đây bởi sự hào sảng, nghĩa tình khiến tình cảm của con người với nhau xích lại gần hơn. Anh cũng gửi lời chúc đến người dân TP.HCM đón Tết Nhâm Dần với nhiều sức khỏe, vạn sự như ý và mong ước sớm được quay lại thành phố mang tên Bác để gặp gỡ những người anh em, những người bạn đã sát cánh cùng anh trong hành trình đáng nhớ này trong sự bình yên, hạnh phúc và nghĩa tình.

Trung úy, Bác sĩ quân y Nguyễn Quang Trung (giữa) cùng đồng đội từ miền Bắc vào TP.HCM chống dịch (Ảnh: NVCC)

Tình nguyện viên - những con người nặng nghĩa tình ra tận sân bay tiễn những người lính trở về quê hương (Ảnh: NVCC)

Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”, đó là tinh thần của Võ Duy Khương - sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM, là một trong những tình nguyện viên trẻ tuổi ở khu vực quận Gò Vấp. Khi được hỏi về lí do đăng ký tham gia chống dịch, Khương chia sẻ: “Hiện tại em đang học tập và làm việc ở TP, lúc đó thiếu người hỗ trợ, tuổi 20 em muốn khoác lên mình màu áo xanh thanh niên, bộ đồ bảo hộ để giúp đỡ mọi người. Em cảm thấy mình cần dùng sức trẻ vào những hoạt động ý nghĩa cho đời”. Là một tình nguyện viên nhiệt huyết, Khương cảm thấy vui và tự hào khi nhớ lại hành trình trong năm vừa qua. 

Tình nguyện viên Võ Duy Khương khát khao cống hiến sức trẻ cho xã hội (Ảnh: NVCC)

Trong năm mới Nhâm Dần 2022, Khương cho biết sẽ tiếp tục tham gia các chương trình tình nguyện của trường và địa phương để cống hiến cho xã hội. “Em mong muốn góp phần giúp đỡ cho những mảnh đời khó khăn trong cuộc sống”, Khương nói.

Câu nói “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” lại vang lên trong những ngày tháng lịch sử chống dịch COVID-19, hàng ngàn người đã xung phong vào Nam để chia sẻ khó khăn, mất mát, nhường cơm sẻ áo, lo cho đồng bào mình. Trong cuộc chiến chống đại dịch, Việt Nam đã có biết bao anh hùng thầm lặng, không quản gian khó hy sinh, không toan tính đến việc riêng tư hay sự an toàn của bản thân để cứu chữa cho những người bệnh. Trong cuộc chiến cam go, hiểm nguy đó, không thể kể hết tinh thần chống dịch kiên cường, quả cảm và chúng ta tin rằng sự hy sinh thầm lặng của những “chiến sĩ tuyến đầu chống dịch” sẽ góp phần cùng cả nước chiến thắng dịch bệnh, mang lại sự bình yên cho mỗi người dân, mỗi gia đình và cho cả cộng đồng.

Ý kiến của bạn: