TP.HCM tiếp đà đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

PHAN NY - THU TÌNH - THANH TÂN - THÀNH NGUYÊN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 29/2/2024, 10:00

(HTV) - "Đầu tư công có vai trò quan trọng, dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, năm 2024, cả nước dành 657.000 tỷ đồng cho đầu tư công, chủ yếu là đầu tư hạ tầng giao thông và phấn đấu đạt tỉ lệ giải ngân ít nhất 95%”.

Đây là nội dung mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tại Phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Với TP.HCM, năm 2023, nguồn vốn của ngành giao thông TP.HCM chiếm 60% nguồn vốn toàn TP.HCM. Chỉ riêng Ban Giao thông và Ban Đường sắt là hơn 40.000 tỷ đồng, nếu cộng thêm vốn của các ban quản lý dự án quận, huyện nữa thì khoảng 45.000 tỷ đồng, bằng một nửa ngành giao thông cả nước. 

Trong năm mới 2024, TP.HCM dự kiến khởi công 16 công trình, dự án và hoàn thành 38 hạng mục chính hoặc dự án hoàn thành, trong đó, có những gói thầu, công trình trọng điểm được kỳ vọng sẽ tạo sức bật cho bức tranh giao thông của thành phố, nhất là các khu vực cửa ngõ. 

Trong số đó, phải kể đến dự án cầu đường Nguyễn Khoái -  Cây cầu mà nhiều người dân sống tại Quận 4, Quận 7 và Quận 1 đã có lúc phải nhận định là cây cầu “lận đận” nhất khu Nam TP.HCM. Khi mà dự án này, dù được HĐND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2016. nhưng phải sau gần 7 năm, qua nhiều lần điều chỉnh và có lúc phải tạm gác kế hoạch đầu tư, thì năm 2024 này sẽ là thời điểm chính thức khởi công của dự án.

Hơn 100 hộ dân và 25 tổ chức chịu ảnh hưởng bởi dự án, với tổng kinh phí bồi thường khoảng 1.000 tỷ đồng. Tập trung tối đa cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, lãnh đạo địa phương đã cam kết với TP.HCM cho 4 mốc giải ngân là 30/03, 30/06, 30/09 và 31/12.

Với hơn 3.700 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách đầu tư, dự án cầu đường Nguyễn Khoái được kỳ vọng tạo thành trục đường chính kết nối khu Nam với khu trung tâm TP.HCM; giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông hiện hữu, đáp ứng nhu cầu giao thông trong khu vực ngày một tăng cao. Quyết tâm rất lớn, nhưng khó khăn cũng vẫn còn rất nhiều.

Giải quyết kẹt xe tại Quận 4: Dự án cầu đường Nguyễn Khoái khởi công khi nào?

Cùng với các dự án giao thông nội đô, TP.HCM cũng đã, đang và sẽ tập trung tối đa cho việc phát triển các dự án giao thông cửa ngõ cũng như liên vùng, quyết tâm tháo gỡ nút thắt giao thông vốn đã tồn tại từ rất nhiều năm nay, gây cản trở không nhỏ đến sự phát triển chung của Thành phố. 

Điển hình như các dự án giao thông đang được triển khai: Nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, nút giao An Phú, Quốc lộ 50, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa và 05 dự án BOT đang trong quá trình triển khai bước đầu.

Dự án hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ - sau thời gian dài vướng hạ tầng kỹ thuật khiến việc thi công phải cầm chừng - nay đã chính thức bắt đầu bước vào giai đoạn tăng tốc thi công. Dự án này hiện đạt tổng khối lượng thi công gần 60%. Tất cả đều đang hạ quyết tâm để cuối năm nay có thể hoàn thành và chính thức đưa vào khai thác cả hai nhánh hầm này.

Gấp rút thi công công trình hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ

Còn tại dự án mở rộng Quốc lộ 50, dự kiến, cuối năm nay sẽ thông xe 4,2km đường song hành đầu tuyến. Phần còn lại hoàn thành trong năm tiếp theo. Việc đưa vào khai thác đoạn tuyến này sẽ mở ra trục giao thông mới, góp phần kéo giảm ùn tắc tai nạn giao thông trên quốc lộ hiện hữu, tạo sự thông thoáng cho cửa ngõ phía nam thành phố, đặc biệt tạo trục nối kết với các tỉnh Long An và Tiền Giang trong tương lai.

Nút giao An Phú - một dự án giao thông trọng điểm ở cửa ngõ phía Đông TP.HCM cũng đang đồng loạt thi công các gói thầu xây dựng: hầm chui trên đường Mai Chí Thọ, cầu Bà Dạt, cầu Giồng Ông Tố, cầu vượt nút giao đường Đồng Văn Cống và nút giao đường dẫn Cao tốc Long Thành -Dầu giây. Đến nay, toàn bộ dự án đang đạt tổng khối lượng thi công trên 40%.

Nút giao An phú là điểm giao giữa các trục giao thông lớn dẫn lên cao tốc, ra vào cảng và kết nối với nhiều trục giao thông chính từ lâu luôn là một trong những điểm nóng về ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố. Khi đưa vào khai thác toàn bộ dự kiến vào 30/4/2025 - dự án này không chỉ tăng cường kết nối cho Cao tốc TP.HCM - Long Thành- Dầu Giây với tuyến đường Mai Chí Thọ và các trục chính giao thông chính mà còn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đồng thời từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM.

Một đại công trường khác là dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa - cửa ngõ ra vào sân bay Tân Sơn Nhất cũng đang chạy đua nước rút để đưa vào khai thác hạng mục hầm chui tại nút giao Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn vào tháng 7 năm nay và toàn bộ dự án vào cuối năm 2024  - đồng bộ với nhà ga T3  - theo kế hoạch.

Không dừng lại ở các dự án giao thông trọng điểm trên, 05 dự án giao thông quan trọng khác với tổng vốn đầu tư hơn 37.000 tỷ đồng theo hình thức BOT - nhanh chóng được triển khai và hoàn thành theo đúng kế hoạch cũng sẽ góp phần không nhỏ vào việc khơi thông các cửa ngõ vốn là được coi là nút thắt giao thông của TP.HCM trong nhiều năm qua. 

Các dự án gồm: nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 - đoạn từ An lạc đến giáp ranh tỉnh Long An, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13 - đoạn từ ngã tư Bình phước đến cầu Bình triệu, cải tạo nâng cấp Quốc lộ 22 - từ nút giao An sương đến Vành đai 3, mở rộng đường trục Bắc Nam - từ Nguyễn Văn Linh đến nút giao Bà Chiêm và xây dựng cầu đường Bình Tiên - đoạn từ Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh.

Cả 05 dự án BOT giao thông được thành phố chọn ưu tiên triển khai trước trong giai đoạn hiện nay là các trục đường có mật độ giao thông rất lớn, cửa ngõ kết nối trực tiếp với các đường vành đai, cao tốc, đầu mối kinh tế lớn như: cảng biển, đô thị vệ tinh, khu công nghiệp và các đầu mối giao thông của TP.HCM.

TP.HCM đang tập trung dồn mọi nguồn lực - tăng tốc đẩy nhanh tiến độ thi công, triển khai thực hiện các dự án hạ tầng giao thông đặc biệt là khu vực cửa ngõ. Những dự án đã và đang thi công cũng như các dự án sẽ triển khai trong thời gian tới - khi hoàn thành và đưa vào khai thác, được kỳ vọng thay đổi diện mạo giao thông đô thị cũng như tạo xung lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Ngay ngày làm việc đầu tiên của năm mới Giáp Thìn, Ban chỉ đạo các công trình, dự án trọng điểm TP.HCM đã tiến hành họp Phiên đầu tiên dưới sự chủ trì của đồng chí Phan Văn Mãi - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM với mục tiêu đẩy mạnh ngay từ đầu năm các công trình, dự án trọng điểm để sớm về đích theo kế hoạch đề ra.

Năm 2024, TP.HCM xác định mục tiêu giải ngân Đầu tư công theo 4 giai đoạn: Quý 1 giải ngân từ 10-12%, Quý 2 là 30%, Quý 3 là 60%, Quý 4 là 90%, và thời gian còn lại của tháng 01/2025 sẽ phấn đấu đạt 95% kế hoạch. 

Mục tiêu giải ngân đầu tư công còn những khó khăn gì?

Cuối năm ngoái, Quận 1, Quận 4, Quận 8, Quận 10, quận Gò Vấp, quận Phú Nhuận, huyện Bình Chánh và huyện Củ Chi là 8 địa phương được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi gửi thư khen vì tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, ý chí quyết tâm cao để thực hiện rất tốt, hiệu quả phong trào thi đua 60 ngày đêm đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công với kết quả trên 80%.

Được giao thẩm quyền quyết định giá đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư... nhiều quận, huyện ở TP.HCM vẫn đang nỗ lực rút ngắn thời gian thu hồi đất, bàn giao mặt bằng so với trước, làm tiền đề tăng tốc đầu tư công ngay từ đầu năm 2024.

Giai đoạn 2 của trường tiểu học Nguyễn Trực nằm trên địa bàn Phường 1, Quận 8 được triển khai thực hiện từ tháng 5/2023, với tổng kinh phí toàn dự án là trên 91 tỷ đồng. Công trình đi vào hoạt động giúp ngôi trường có thêm 12 phòng học, phòng chức năng và khối nhà đa năng qua đó giúp nhà trường có thể tiếp nhận thêm gần gấp đôi số lượng các em học sinh. Đặc biệt các em đã có thể học 100% hai buổi/ngày, bao gồm cả bán trú.

Việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công không chỉ giúp quận có điều kiện mở rộng, xây mới các trường học mà còn giúp nâng cấp các công trình giao thông trên địa bàn. Trong đó có thể kể đến là tuyến đường Bình Đông tại Phường 13, Quận 8, sau khi nâng cấp mở rộng, tuyến đường này không chỉ giúp thay đổi cảnh quan trong khu vực mà còn giúp phát triển không gian lễ hội trên bến dưới thuyền.

Quận 8: Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nâng cao đời sống người dân

Tại Quận 4, tiến độ những dự án trọng điểm như cầu đường Nguyễn Khoái cũng sẽ đảm bảo khi tính chủ động của địa phương được nâng lên. Tuy nhiên, để công tác đền bù giải phóng mặt bằng đạt hiệu quả cao nhất, lãnh đạo Quận 4 cho rằng, sự rốt ráo trong các thủ tục hành chính cũng rất cần các Sở, Ngành và UBND các quận huyện chung tay.

Nhìn rộng ra cả nước, kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 đã tạo đà quan trọng cho các địa phương, bộ, ngành tiếp tục giải ngân đạt tỉ lệ cao trong năm 2024 - năm tăng tốc để hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Năm 2024, TP.HCM được giao lượng vốn đầu tư công cao nhất từ trước đến nay với hơn 79.000 tỷ đồng, nếu không chạy nước rút ngay từ đầu năm, thì rất khó đạt được mục tiêu giải ngân 95%. Nhưng, áp lực giải ngân đầu tư công cũng chính là động lực không thể tốt hơn cho guồng quay mạnh mẽ của đầu tàu kinh tế TP.HCM, quyết định thành công hay thất bại của mục tiêu tăng trưởng 7,5% - 8% mà TP.HCM đặt ra.

Với nhận thức và tâm thế sẵn sàng, cùng sự nỗ lực đồng bộ, đồng lòng từ cấp chính quyền, sở ngành, sự chung tay của toàn hệ thống chính trị, xã hội và sự đồng lòng của người dân ngay từ những ngày đầu năm, chúng ta có quyền kỳ vọng công tác giải ngân đầu tư công của TP.HCM trong năm 2024 sẽ đạt chỉ tiêu.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: