TP.HCM: Phát triển kỹ thuật hiện đại giúp sớm phát hiện ung thư

TẤN KHOA – HOÀNG TÂN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 26/8/2023, 16:31

Ngành y tế TP.HCM đã đề ra chiến lược phòng, chống ung thư trong giai đoạn mới với nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó có đề cập đến việc triển khai các hoạt động tầm soát cộng đồng, ứng dụng công nghệ cao để sớm phát hiện ung thư.

Khoảng 70% số lượng bệnh nhân ung thư phổi tiếp cận điều trị thường ở giai đoạn trễ

Ung thư phổi là một trong những bệnh lý ung thư gặp nhiều nhất tại Việt Nam. Đáng nói hơn, khoảng 70% số lượng bệnh nhân ung thư phổi tiếp cận điều trị thường ở giai đoạn trễ. Suốt gần 3 tháng qua, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã triển khai chương trình tầm soát ung thư phổi miễn phí với việc áp dụng phương pháp dựa trên kỹ thuật chụp CT liều thấp giúp những người có nguy cơ dễ dàng phát hiện bệnh sớm.

Bác sĩ CKII Nguyễn Tuấn Khôi - Trưởng Khoa Nội phụ khoa, Phổi, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết: “Chụp CT liều thấp có cái lợi là chúng ta có thể phát hiện được những khối u kích thước rất nhỏ, và nếu chúng ta phát hiện được thì người bệnh có khả năng chữa trị rất cao. Trước mắt, chúng tôi có một máy tầm soát CT liều thấp và tiếp cận số lượng rất hạn chế các bệnh nhân, với mục đích ban đầu là làm thử nghiệm trên 600 bệnh nhân. Nếu chương trình này có hiệu quả, thì tôi nghĩ trong tương lai, chúng ta phải đầu tư nhiều máy hơn nữa để có thể tầm soát được nhiều bệnh nhân hơn”.

Phát triển kỹ thuật hiện đại giúp phát hiện sớm ung thư

Trong năm vừa qua, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã đầu tư nhiều kỹ thuật, thiết bị hiện đại nhằm đẩy mạnh việc xét nghiệm sinh học phân tử (hay còn gọi xét nghiệm đột biến gene) phục vụ cho việc điều trị hiệu quả, trúng đích hơn. Trong đó, việc xét nghiệm BRCA1, BRCA2 chẩn đoán nhiều bệnh lý ung thư đã được thực hiện trên 200 ca và khoảng 20% trong số này được kéo dài thời gian, chất lượng sống. Đây cũng là phương pháp có nhiều tiềm năng trong việc tầm soát, phát hiện sớm ung thư dự kiến sẽ được Bệnh viện triển khai rộng rãi trong thời gian tới.

Xét nghiệm BRCA1, BRCA2 là phương pháp tiềm năng trong việc tầm soát, phát hiện sớm ung thư

Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Huy Thịnh - Phó Trưởng Phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết: "Bệnh viện Ung bướu muốn phát triển trong tương lai cái thứ nhất là khảo sát những đột biến gene dòng mầm hay đột biến gene di truyền ở những bệnh nhân có mắc một số các loại ung thư chuyên biệt. Không chỉ cho bệnh nhân mà có thể là cho cả người thân của bệnh nhân, để giúp cho những người thân của bệnh nhân này có một chiến lược tư vấn và tầm soát sớm ung thư. Chúng tôi cũng đang phát triển những kỹ thuật giải trình tự gene dựa trên hệ thống hiện đại. Đó là một phương pháp giải trình tự gene có chi phí cũng vừa phải hơn và giúp phát hiện được những đột biến di truyền một cách hợp lý và tối ưu hơn”.

Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Huy Thịnh - Phó Trưởng Phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM

Việc các đơn vị không ngừng ứng dụng công nghệ cao trong tầm soát, phát hiện sớm ung thư là một trong những giải pháp đã được ngành y tế Thành phố đề ra trong chiến lược phòng chống ung thư giai đoạn mới. Đây cũng là điều mà người dân rất ủng hộ, đặt nhiều kỳ vọng. “Hầu hết là căn bệnh này phát triển âm thầm, khi phát hiện ra, đôi lúc có những người bệnh ở giai đoạn muộn, cơ hội chữa lành không cao. Nếu có ứng dụng những kỹ thuật cao như thế này để phát hiện bệnh thì cơ hội sống của bệnh nhân rất cao. Đó cũng là một điều phấn khởi, và tôi mong rằng đề án này mau chóng được thực hiện để bà con trên cả nước ai vướng phải những căn bệnh này thì cũng đều có cơ hội sống cao”, chị Nguyễn Thị Thùy Trang ngụ tại huyện Hóc Môn, TP.HCM chia sẻ.

Ông Võ Quốc Hải chia sẻ: “Người dân kịp thời phát hiện bệnh của mình thì có cơ hội điều trị tốt hơn”.

Ông Võ Quốc Hải đến từ Pleiku, Gia Lai cho biết: “Tôi mong muốn tất cả các tuyến y tế từ dưới lên đều tiếp cận với chương trình này để cho bà con đỡ tốn thời gian, tốn công sức cũng như là tiền bạc. Người dân kịp thời phát hiện bệnh của mình thì có cơ hội điều trị tốt hơn”.

Bên cạnh sự chủ động của các cơ sở y tế, nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo người dân cần thường xuyên tầm soát sức khỏe định kỳ từ 1 đến 2 lần một năm, nhằm kịp thời phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ ung thư.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

 

Ý kiến của bạn: