(HTV) - Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM thực hiện thanh tra và xử lý vi phạm về việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động quản lý, đăng ký, lưu trữ thông tin thuê bao di động của các Doanh nghiệp viễn thông di động trên địa bàn thành phố.
Thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã thực hiện thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động quản lý, đăng ký, lưu trữ thông tin thuê bao di động của các Doanh nghiệp viễn thông di động trên địa bàn Thành phố và đã xử lý vi phạm hành chính đối với 10 điểm Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính là 610 triệu đồng và đã ngừng cung cấp dịch vụ đối với 1.710 SIM thuê bao di động vi phạm.
Thực hiện công văn số 1080/BTTTT-TTra ngày 31/3/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông về thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao di động, Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động quản lý, đăng ký, lưu trữ thông tin thuê bao di động của 05 Chi nhánh Doanh nghiệp viễn thông di động (DNVTDĐ) trên địa bàn Thành phố gồm: Viettel TP.HCM; Công ty Dịch vụ MobiFone Khu vực 2; Trung tâm Kinh doanh VNPT TP.HCM (Vinaphone); Chi nhánh Công ty Cổ phần Viễn thông di động Vietnamobile tại TP.HCM; Chi nhánh Công ty Cổ phần Viễn thông di động Toàn cầu tại TP.HCM (Gmobile).
Ngừng cung cấp dịch vụ hơn 1.700 SIM thuê bao
Qua hoạt động thanh tra, Đoàn thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông đã phát hiện và đã xử phạt vi phạm hành chính một số hành vi như:
- Sử dụng phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin để giả mạo thông tin, sử dụng phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin để thay đổi số Chứng minh nhân dân, số Căn cước công dân trên ảnh chụp giấy tờ của cá nhân để thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông;
- Ký hợp đồng dịch vụ ủy quyền với cá nhân để thực hiện việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cung cấp dịch vụ viễn thông;
- Bán, lưu thông trên thị trường SIM thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ nhưng chưa thực hiện chưa hoặc hoàn thành việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung;
- Thực hiện đăng ký thông tin thuê bao ở bên ngoài Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông.
- Sử dụng giấy tờ tùy thân của cá nhân mà không được sự đồng ý để giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
Theo đó, số điểm cung cấp dịch vụ viễn thông đã xử phạt vi phạm hành chính là 10 Điểm; Tổng số tiền phạt: 610.000.000 đồng; Tổng số tiền đã nạp vào tài khoản chính bị thu hồi: 20.707.630 đồng và số lượng SIM thuê bao di động vi phạm đã ngừng cung cấp dịch vụ: 1.710 SIM.
Hàng loạt vụ dùng trạm BTS giả (trạm thu phát sóng) phát tán tin nhắn rác và lừa đảo đã bị phát hiện
Nhận định chung tình hình thực hiện quản lý thông tin thuê bao di động trả trước trên địa bàn TP.HCM đã có biến chuyển rõ rệt và đạt được kết quả tích cực.
Từ ngày 01/10/2022, tình hình đăng ký, quản lý thông tin thuê bao di động trả trước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh của các DNVTDĐ đã có biến chuyển rõ rệt, đạt được kết quả tích cực hơn so với giai đoạn trước.
Việc triển khai đối soát dữ liệu thông tin thuê bao với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGDC) của các DNVTDĐ là một bước đột phá mới trong hoạt động quản lý, đăng ký thông tin thuê bao. Một mặt, dữ liệu đăng ký thông tin thuê bao di động hiện có được chuẩn hóa, xóa bỏ dần tình trạng đăng ký thông tin thuê bao bằng hình ảnh giấy tờ tùy thân giả mạo, không có thật. Mặt khác, đối với các thuê bao đăng ký mới cũng đảm bảo thông tin chính xác hơn, đúng theo quy định.
Cơ quan quản lý nhà nước cùng với các DNVTDĐ không ngừng hoàn hiện hoạt động đăng ký thông tin thuê bao di động, từng bước hoàn thiện quy định quản lý, quy trình nghiệp vụ, đồng thời áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật hỗ trợ đảm bảo việc đăng ký thông tin nhanh chóng, chính xác và đảm bảo đúng quy định. Điều này là thực sự cần thiết cho sự phát triển bền vững của ngành viễn thông di động và cùng với đó là sự phát triển của các dịch vụ giá trị gia tăng, dịch vụ thanh toán, những dịch vụ khác kèm theo mà đòi hỏi cần phải có nền tảng là dữ liệu thông tin thuê bao phải chính xác và chính chủ.
Nguồn: Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM
Ghi nhận của Phóng viên HTV về tình trạng dùng thiết bị giả lập trạm BTS để phát tán tin nhắn với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, quảng cáo các dịch vụ vi phạm pháp luật như cá độ bóng đá, mại dâm,...