TP.HCM: Cần thiết xây dựng ngân hàng mắt

NGỌC PHƯƠNG - TẤN KHOA - THIỆN TOÀN - PHONG TRẦN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 21/1/2024, 08:00

(HTV) - Hiện nay, kỹ thuật ghép giác mạc ở Việt Nam đã đạt trình độ tiên tiến, hiện đại , tuy nhiên số lượng giác mạc được cung ứng rất khan hiếm, việc hiến giác mạc tại Việt Nam cũng chưa phổ biến.

Bệnh viện Mắt TP.HCM có đến hơn 250 trường hợp chờ được ghép giác mạc

Hiện tại BV Mắt TP.HCM có đến hơn 250 trường hợp chờ được ghép giác mạc, nhưng nguồn giác mạc lại rất hiếm hoi.

Trước đây, Ngân hàng Mắt TP.HCM (trực thuộc Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM), nhưng sau dịch Covid-19 đã ngừng hoạt động, việc ghép giác mạc tại đơn vị y tế tư nhân hiện đòi hỏi điều kiện kinh tế cao. Do đó, những năm qua, số bệnh nhân mong mỏi có nguồn giác mạc để thấy lại ánh sáng đã lên đến hàng ngàn trường hợp.

Một bệnh nhân 58 tuổi, ngụ Quận 6, TP.HCM cho biết hiện chỉ nhìn thấy bằng một bên mắt. Gần 2 năm qua, bà phải thường xuyên đến bệnh viện để thăm khám, chờ đợi có người hiến giác mạc để chữa trị mắt còn lại. Người nhà bệnh nhân lo sợ nếu chờ lâu, mắt còn lại cũng rủi ro, khi đó hai mắt đều không thấy rõ nữa.

Bệnh viện Mắt TP.HCM hợp tác với Hội nhãn khoa nước ngoài

Bác sĩ Chuyên khoa II Lâm Minh Vinh, Trưởng khoa giác mạc, Bệnh viện Mắt TP.HCM cho biết, nhờ sự hợp tác với Hội nhãn khoa nước ngoài, năm ngoái, Bệnh viện đã ghép giác mạc cho khoảng 25 ca, nhưng nhu cầu thật sự rất nhiều và số lượng nguồn mô của từ tài trợ rất là ít. Nếu giác mạc để lâu, sẽ có những yếu tố ảnh hưởng đến bệnh nhân. Thứ nhất là ảnh hưởng đến chất lượng sống của bệnh nhân, trong đó mà phải kể đến nguy cơ bệnh nhân chấn thương té ngã do thị lực mình kém, như trong trường hợp trẻ em mà mình để lâu quá thì khi ghép bệnh nhân có khả năng cao bị nhược thị, không hồi phục thị lực được.

Giác mạc chỉ có thời hạn sử dụng khoảng hơn 10 ngày , trong khi đặt ở nước ngoài không phải lúc nào cũng có sẵn và thời gian vận chuyển về đây rất lâu. Do đó việc có giác mạc để ghép cho bệnh nhân hiện tại đang rất khó khăn. Do đó, tại Bệnh viện Mắt TP.HCM, nơi là tuyến cuối tiếp nhận các ca bệnh về mắt đang rất cần nguồn giác mạc để có thể điều trị cho bệnh nhân trong thời gian sớm nhất.

Quá trình ghép giác mạc tại Bệnh viện Mắt TP.HCM

Theo Bác sĩ Chuyên khoa II Phạm Nguyên Huân, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM: "Giác mạc gửi được chuyển từ nước ngoài về thì cũng phải tốn khoảng 7 - 10 ngày mới về tới Việt Nam, lúc đó, thậm chí một số trường hợp, chất lượng của mô không còn tốt nữa. Chủ trương của bệnh viện vẫn là cố gắng làm sao xin phép để thành lập một ngân hàng mắt hoặc là một ngân hàng mắt nằm trong giới hạn của một ngân hàng mô. Đây là ngân hàng không có lợi nhuận để phục vụ cho người dân. Thứ nhất là có thể tiếp nhận và xử lý những mô từ nước ngoài chuyển về, thứ hai là chúng ta có thể vận động người dân hiến giác mạc để ngân hàng mắt lúc này sẽ là nơi xử lý và phân phối mô đến nơi có người cần."

Hơn 250 bệnh nhân chờ ghép giác mạc, ánh sáng vẫn xa vời

Bệnh viện Mắt TP.HCM cũng vừa tiếp tục ký kết hợp tác đào tạo với Hội Nhãn Khoa Đức, nhằm nâng cao chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật nhãn khoa từ nước ngoài. Trong đó, Đức cũng sẽ hợp tác hỗ trợ chuẩn bị mảnh ghép, tối ưu hóa việc sử dụng mô hiến tặng khi xây dựng Ngân hàng mắt.

Khi có thêm điều kiện thuận lợi về nguồn giác mạc, ánh sáng đối với bệnh nhân, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn, sẽ không còn xa.

 

Ý kiến của bạn: