Tích cực trồng mới để diện tích rừng ngập mặn tăng ròng

LY LY - HỒ ĐỨC - TRÚC QUỲNH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 24/12/2024, 08:41

(HTV) - Cần Giờ tập trung trồng mới 180 héc ta rừng, khoanh nuôi 200 héc ta, chăm sóc 150 héc ta rừng giai đoạn 2016-2020, hướng tới tín chỉ carbon, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống dân cư.

Trên những bãi bồi ven sông đổ ra biển, các công nhân trồng rừng ngập mặn đang gấp rút thực hiện nhiệm vụ trồng cây. Tranh thủ lúc nước rút, họ nhanh chóng di chuyển, phủ kín những bãi bồi bằng những cây mắm, bần non.

Rễ đan xen của cây ngập mặn tạo nên nền tảng vững chắc cho hệ sinh thái Cần Giờ

Anh Trần Thừa Vinh - Công nhân trồng rừng ngập mặn chia sẻ: "Khó khăn ở chỗ là những khu vực nằm sâu trong rừng, việc vận chuyển cây giống rất vất vả và mất nhiều thời gian. Còn ở ngoài bãi bồi, chúng tôi phải canh thủy triều và luôn sẵn sàng để trồng được nhiều cây nhất và đạt hiệu quả cao."

Phóng viên tại HTV cho biết: "Hôm nay, tôi đã trực tiếp tham gia trồng một cây mắm trắng, nằm trong tổng số hơn 400.000 cây được triển khai trong chương trình tăng diện tích rừng phòng hộ giai đoạn 2021-2025. Tôi hy vọng những mầm xanh này sẽ sớm phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao độ che phủ rừng, tạo nên một lá phổi xanh bền vững cho Thành phố và các khu vực lân cận."

Nhờ các hoạt động trồng mới, đa dạng hóa loại cây phù hợp với điều kiện địa hình, địa mạo rừng, cùng với các biện pháp lâm sinh và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, diện tích rừng ngập mặn tại Cần Giờ ngày càng được làm giàu và phát triển.

Ông Bùi Nguyễn Thế Kiệt - Trưởng phòng quản lý phát triển tài nguyên, Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ cho biết: "Việc trồng rừng được thực hiện theo thiết kế của đơn vị tư vấn, đảm bảo đúng yêu cầu của Bộ Nông nghiệp. Hai loài cây chủ đạo là bần và mắm được lựa chọn vì phù hợp với điều kiện thực tế."

Công nhân trồng rừng ngập mặn trên bãi bồi ven sông, khởi tạo những mầm xanh mới cho Cần Giờ

Ông Huỳnh Đức Hoàn - Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ nhấn mạnh: "Ngoài việc trồng mới, chúng tôi còn tăng cường chăm sóc, bảo vệ và quản lý rừng, đặc biệt là các khu vực rừng trồng giai đoạn 2015-2020, hiện nay đang sinh trưởng rất tốt."

Ông Nguyễn Ngọc Xuân - Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, TP.HCM cho biết: "Huyện có kế hoạch dài hạn từ năm 1978 đến nay và trên biểu đồ tăng trưởng rừng cũng thấy rõ trong từng giai đoạn diện tích rừng đều được mở rộng. Và trong giai đoạn 2021-2025 thì bên cạnh việc trồng rừng mới còn trồng bổ sung ở những khu xen cài cây chết không rõ nguyên nhân. Đồng thời, Thành phố cũng phê duyệt 5 dự án triển khai trồng đa dạng sinh học để có nhiều giống loài không bị đồng hóa và phát triển tốt hơn."

Đội tuần tra rừng ngập mặn Cần Giờ quan sát và bảo vệ hệ sinh thái ven sông

Ông Bùi Nguyễn Thế Kiệt - Trưởng phòng quản lý phát triển tài nguyên, Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ khẳng định: "Có một cây là có rừng. Trên những bãi bồi, các loài cây tiên phong như bần và mắm không chỉ tạo nên vành đai mới mà còn thúc đẩy diện tích rừng ngập mặn phát triển theo hướng lấn ra biển, hình thành hệ sinh thái rừng bền vững."

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

Ý kiến của bạn: