Thúc đẩy nông sản Việt chinh phục thị trường quốc tế

THANH VÂN - TRẦN TÚ - QUỐC KHANH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 9/6/2024, 08:18

(HTV) - Năm 2024, ngành nông nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 55 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng GDP 3,5%.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng tiếp cận khách hàng, chọn lựa thị trường và xây dựng thương hiệu là cánh cửa để xuất khẩu các sản phẩm nông sản Việt Nam ra các thị trường thế giới, đặc biệt là Châu Âu và Mỹ.

Cà phê Việt Nam đã thực sự nổi tiếng trên thế giới

Ông Nguyễn Huy Hùng - Giám đốc Bán hàng và Marketing Tập đoàn Phúc Sinh chia sẻ: “Chúng tôi đã làm việc này cách đây 20 năm và những bước đầu rất khó khăn tại vì các nước Châu Âu không biết Việt Nam mình có cà phê, họ nghĩ cà phê ở Brazil, Colombia, nhưng sau quá trình chúng tôi đi, chúng tôi phát triển sản phẩm, chúng tôi làm thương hiệu thì bây giờ cà phê Việt Nam đã thực sự nổi tiếng trên thế giới”.

Doanh nghiệp Việt cần gì để bứt phá xuất khẩu nông sản ra thị trường quốc tế?

Dù các doanh nghiệp luôn nỗ lực và vững tin vào giá trị xuất khẩu hàng hóa nông sản, nhưng phải đối mặt với nhiều rào cản thương mại, chính sách nhập khẩu của các nước với những yêu cầu khắt khe về chất lượng và an toàn thực phẩm và các yêu cầu thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường và xã hội.

Doanh nghiệp cần đầu tư vào bộ kiểm soát chất lượng 

Nhiều thách thức khi xuất khẩu nông sản vào thị trường Châu Âu như hệ thống nhà máy phải đạt được tiêu chuẩn, đồng thời phải đầu tư vào bộ kiểm soát chất lượng từ nông hộ đến nhà máy chế biến, sau đó phải tạo ra được những sản phẩm có giá trị cao. Vấn đề an toàn thực phẩm và dư lượng hóa chất cũng là một rào cản lớn với các doanh nghiệp. 

Để tăng năng lực xuất khẩu nông sản Việt Nam trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý đến khâu chế biến sâu và kết nối với hệ thống phân phối quốc tế.

Doanh nghiệp Việt đối mặt với nhiều rào cản thương mại, chính sách nhập khẩu 

Ông Trần Phú Lữ

Ông Trần Phú Lữ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM nhận định doanh nghiệp cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như nghiên cứu thị hiếu của người tiêu dùng trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng hiện nay, tham gia vào hệ thống phân phối để nắm được các yêu cầu, những điều kiện về xuất khẩu.

Ông Trần Ngọc Quân 

Ông Trần Ngọc Quân - Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU nhấn mạnh giải pháp để tiếp cận thị trường tức là phải tiếp cận được các doanh nghiệp nước ngoài. Với danh sách công bố 10.000 doanh nghiệp nhập khẩu nông sản thực phẩm của Liên minh Châu Âu, đủ để cho các doanh nghiệp khai thác.

Hiện nông sản Việt Nam đã xuất khẩu sang 180 thị trường trên thế giới và cũng đã ký kết tham gia và đàm phán 17 hiệp định FTA. Đây là một điểm sáng cho tương lai nông sản Việt.

 

Ý kiến của bạn: