(HTV) - Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử đã đạt nhiều kết quả tích cực sau gần 03 năm, góp phần thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Cụ thể hơn, Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án 06) sau gần 03 năm triển khai đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Toàn cảnh hội nghị
Đây là đánh giá chung được đưa ra chiều 14/11 tại Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến về thúc đẩy các nhiệm vụ Đề án 06 tại 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chủ trì Hội nghị.
Cùng dự Hội nghị có các Đồng chí:
- Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM;
- Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM;
Cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Các đồng chí lãnh đạo Trung Ương và địa phương tham dự hội nghị
Đến nay, toàn quốc đã tích hợp 14,8 triệu thông tin công dân vào Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID. Đã có 47 địa phương triển khai cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên VNeID với hơn 24.800 hồ sơ.
Riêng TP.HCM đã cấp trên 8 triệu thẻ căn cước công dân, hơn 500.000 thẻ căn cước, và hơn 06 triệu tài khoản định danh điện tử; cấp khoảng 500.000 chữ ký số công cộng; hơn 1 triệu Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên VNeID. Bên cạnh các kết quả đạt được, Thành phố vẫn còn một số khó khăn về đồng bộ dữ liệu, kết nối hệ thống với các bộ, ngành, cần được giải quyết với các giải pháp cụ thể.
Đánh giá cao các cam kết cụ thể của các địa phương trong thúc đẩy thực hiện Đề án 06, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh việc đưa dịch vụ công lên nền tảng số, đơn giản hóa thủ tục hành chính đã giúp tiết kiệm được hơn 3,5 ngàn tỷ đồng/năm cho Nhà nước và cho xã hội. Tuy nhiên, điểm yếu trong chuyển đổi số hiện nay là còn manh mún, phân tán trong xây dựng cơ sở dữ liệu, chưa hình thành được trung tâm dữ liệu lớn của đất nước.
“Dữ liệu mà chúng ta đang hình thành ở đây đặt ra yêu cầu là phải đủ, sạch, sống, phải được cập nhật thường xuyên thì mới sống được. Đối với các bộ, ngành, cần tăng cường hoàn thiện hệ thống pháp luật, hướng dẫn tập huấn, công bố các danh mục, các tiêu chí, các chuẩn mực pháp lý thuộc lĩnh vực quản lý của mình. Các địa phương cũng phải thực hiện đủ kế hoạch của Đề án cộng với những nhiệm vụ chuyển đổi số khác. Sẽ có một nghị quyết của Bộ Chính trị về chuyển đổi số, trong đó có hàng loạt các giải pháp về chuyển đổi số, kết hợp với việc thực hiện Đề án 06, coi như một phần của Nghị quyết chuyển đổi số.” - Đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chỉ đạo.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, Tổ công tác Đề án 06 đã ký kết phối hợp với UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Kiên Giang về thủ tục hành chính lĩnh vực cư trú, đất đai, số hóa dữ liệu - tái sử dụng kết quả số hóa.
Tổ công tác Đề án 06 ký kết phối hợp với UBND các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Kiên Giang
Dịp này, TP.HCM đã chính thức công bố vận hành "Ứng dụng Công dân số TP.HCM" với mục đích Kết nối người dân và chính quyền, hướng tới mục tiêu xây dựng mô hình chính quyền số hiện đại, gần gũi và thiết thực, đem lại nhiều tiện ích cho người sử dụng; triển khai có hiệu quả chủ đề năm 2024 "Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98 của Quốc hội".
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9