(HTV) - Việc tăng lương cơ sở đã tạo được sự phấn khởi, tuy nhiên, ở góc nhìn khác thì cũng có một số băn khoăn nhất định.
Trong đó, lo ngại lớn nhất được đưa ra những ngày qua chính là nguy cơ lạm phát - điều mà chúng ta đã từng chứng kiến từ những lần điều chỉnh lương cơ sở trong quá khứ. Đặc biệt, đi kèm với đó là nguy cơ bội chi đối với các cơ sở hành chính sự nghiệp hoặc các đơn vị tự chủ tài chính.
Câu hỏi đặt ra là "Nguồn thu không tăng, ngân sách đâu để tăng lương?".
Tăng lương cơ sở: Niềm vui cho người lao động, trăn trở cho bệnh viện tự chủ chi
Bày tỏ vui mừng khi lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu đồng, với hệ số lương 3,33, mức lương hằng tháng của bác sĩ Thùy Trang - Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP. Thủ Đức là khoảng 7,9 triệu đồng. Tuy nhiên, cũng như nhiều đồng nghiệp, bác sĩ Trang bày tỏ băn khoăn đối với các bệnh viện: tăng lương liệu có tăng thu nhập cho nhân viên y tế hay không.
Với nhân sự gần 1.000 người, ước tính mỗi tháng Bênh viện Lê Văn Thịnh đã phải chi trả thêm cho người lao động khoảng 2 tỷ đồng
Nếu trích lập quỹ cải cách tiền lương thì các khoản khác sẽ thu nhỏ lại, như vậy việc tăng lương sẽ không có cải thiện đáng kể với đơn vị tự chủ, trừ trường hợp có ngân sách nhiều sẽ cải thiện. Về lâu dài cần phải điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho phù hợp, tính đúng, tính đủ để tạo động lực phát triển cho bệnh viện.
Bác sĩ CKII Nguyễn Duy Tài - Phó Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP. Thủ Đức, TP.HCM cho biết: “Việc tăng lương cơ sở đối với nhân viên y tế khi giá dịch vụ chưa tính đủ sẽ khiến "tăng lương nhưng thu nhập không tăng". Bệnh viện đang rà soát lại các chức danh, nguồn lực, khi có bảng lương chính thức, hướng dẫn cụ thể sẽ thực hiện tăng lương. Bệnh viện hiện đang chờ hướng dẫn cụ thể về bảng lương để áp dụng ngay, đảm bảo quyền lợi cho người lao động”.
Ở lĩnh vực giáo dục, nhiều trường công lập đã có những sự chuẩn bị từ rất sớm để vừa đảm bảo trích lập quỹ lương thực hiện tăng lương cơ sở theo quy định mới, nhưng cũng không gây áp lực lên phụ huynh, học sinh trong năm học mới.
Theo thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, Quận 1, TP.HCM: “Tăng tiền lương thì thầy cô đều rất vui. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho lộ trình này, từ nhiều năm nay, chúng tôi mỗi năm đều trích 40% nguồn thu để dự phòng cải cách tiền lương. Do đó, nhà trường gần như không có áp lực gì khi chi lương, chỉ lo giá cả hàng hóa tăng thôi”.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9