(HTV) - Quạt giấy Chàng Sơn vừa khẳng định sức sống lâu bền của một làng nghề truyền thống, vừa mang nét đẹp văn hóa đậm chất Việt Nam.
Ngày nay, khi những chiếc quạt điện hay điều hòa xuất hiện ngày càng đa dạng về chủng loại, mẫu mã thì quạt giấy tưởng như đã không còn chỗ đứng trên thị trường. Thế nhưng, với người dân Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội, chiếc quạt giấy vẫn là niềm tự hào, một sản phẩm văn hoá, du lịch hấp dẫn bao người...
Làng Chàng Sơn, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội được biết đến với danh hiệu "Làng bách nghệ", trong đó có nghề làm quạt giấy nổi tiếng bao đời nay. Mang theo niềm tự hào ấy, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuấn quyết tâm giữ nghề như giữ gìn và phát triển bản sắc của Chàng Sơn.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuấn đang làm quạt
Để làm ra một chiếc quạt, người thợ phải chọn những ống tre đạt 3 chuẩn: Dẻo, già, không mối mọt. Ống tre sau khi chặt gọn sẽ được đem ngâm kỹ trong nước từ 4 đến 5 tháng để đảm bảo độ bền và độ đàn hồi của tre. Tiếp theo, các ống tre được chẻ nhỏ và vót thành nan. Các thanh tre được đinh suốt và uốn thành hình vòng cung rồi bọc bằng tấm giấy hoặc vải. Việc bọc giấy hoặc vải lên nan quạt phải được thực hiện khéo léo để giấy không bị nhàu.
Công đoạn chẻ nan
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuấn (Làng Chàng Sơn, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội) cho biết, trong các công đoạn thì công đoạn chẻ nan và phất quạt là khó nhất, nó là 2 trong 5 công đoạn chính làm quạt. Khi chẻ nan, người nghệ nhân phải căn cho tay mình cầm dao và tay lái thanh nan có độ dày mỏng như nhau. Và khi phất vải phải làm sao phần tin quạt trên và dưới tin nhau để khi mở ra khép vào có một chiếc quạt ưng ý.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuấn
Với mong mỏi người trẻ sẽ quan tâm nhiều hơn tới nghề thủ công truyền thống, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuấn cùng gia đình đã thiết kế lại không gian trưng bày quạt ngay tại làng nghề và quảng bá thêm trên các nền tảng số, qua đó thu hút các bạn trẻ và khách nước ngoài đến tận nơi tìm hiểu và trải nghiệm làm quạt, góp phần đưa hình ảnh chiếc quạt Chàng Sơn lan tỏa rộng rãi hơn.
Người trẻ trải nghiệm nghề làm quạt truyền thống
Chị Vũ Thi (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhận thấy, các sản phẩm quạt giấy ở đây đặc biệt như hình thù hay các chi tiết về quạt như vẻ đẹp của quê hương đất nước được in lên trên quạt giấy hay về nghề thủ công như nan quạt,.. đều được làm bằng tre.
Nét văn hóa làng nghề truyền thống quạt giấy Chàng Sơn
Chị Lê Lệ Giang (tỉnh Hưng Yên) cho biết, khi đến đây và thấy những mẫu mã, những thứ hiện lên trên quạt khiến người ta dễ dàng tiếp cận hơn và sự thay đổi quạt Chàng Sơn như thay đổi về hoa văn họa tiết hay các công đoạn thủ công để phù hợp với xu hướng hiện đại nhưng vẫn mang nét truyền thống, làm người trẻ, có dễ dàng tiếp cận những giá trị văn hóa này hơn.
Quạt giấy Chàng Sơn
Không chỉ có giá trị thẩm mỹ, mỗi chiếc quạt chính là kết tinh của tri thức dân gian, sự sáng tạo, khéo léo, chăm chỉ, được người Chàng Sơn truyền lại qua nhiều thế hệ. Điều này không chỉ giúp hình ảnh làng nghề truyền thống thêm lan tỏa trong nước mà còn góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9