Pakistan lần đầu tiên sử dụng mưa nhân tạo để chống khói bụi

MINH TÂM - NHƯ ANH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 19/12/2023, 16:25

(HTV) - Chính quyền tỉnh Punjab cho biết mưa nhân tạo đã được sử dụng lần đầu tiên vào giữa tháng 12, tại Pakistan, để chống lại tình trạng sương mù rất có hại cho sức khỏe của người dân, trong bối cảnh họ sống chen chúc tại siêu đô thị Lahore.

Những chiếc máy bay do Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cung cấp đều được trang bị công nghệ "gieo hạt mây". Chúng bay qua 10 khu vực của thành phố, nơi được coi là một trong những nơi ô nhiễm nhất thế giới.

Lãnh đạo tạm quyền chính quyền tỉnh Punjab, Mohsin Naqvi, cho các phóng viên biết : Các đội từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã đến đây bằng hai máy bay vào đầu tháng 12 này. Họ đã sử dụng 48 quả tên lửa để gây mưa”.

Người dân tại Lahore sống giữa sương mù dày đặc vào tháng 12. Nguồn ảnh: AFP

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đang ngày càng sử dụng kỹ thuật "gieo hạt mây" để tạo mưa nhân tạo ở những vùng khô cằn của quốc gia thường xuyên bị hạn hán này.

Quá trình này bao gồm việc đưa vào các đám mây muối hoặc hỗn hợp các loại muối khác nhau. Các tinh thể sẽ thúc đẩy quá trình ngưng tụ tạo ra mưa.

Kỹ thuật này đã được thực hiện ở hàng chục quốc gia, trong đó có Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.

Các chuyên gia cho biết ngay cả một cơn mưa nhỏ cũng có hiệu quả trong việc giảm ô nhiễm.

Ô nhiễm không khí đã trở nên tồi tệ hơn trong những năm gần đây ở Pakistan. Các tác nhân như khói diesel cấp thấp, khói từ việc đốt nông nghiệp theo mùa và nhiệt độ mùa Đông lạnh hơn đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến phổi của 11 triệu cư dân Lahore. 

 Tình trạng ô nhiễm không khí vượt mức “nguy hiểm” tại Lahore. Nguồn ảnh: AFP

 Trước đó vào ngày 16/12 tại Lahore, mức độ chất ô nhiễm PM2.5 - một loại vi hạt gây ung thư xâm nhập vào máu qua phổi - đã vượt quá 66 lần ngưỡng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi là nguy hiểm.

Theo WHO, hậu quả của việc tiếp xúc kéo dài với khói bụi, hỗn hợp sương mù và khí thải ô nhiễm này là rất thảm khốc. Đó là các chứng bệnh tim, ung thư phổi, bệnh hô hấp, đột quỵ.

Các chính phủ kế nhiệm đã thử nhiều cách tiếp cận khác nhau, bao gồm xả nước trên đường hoặc đóng cửa trường học, nhà máy và chợ vào cuối tuần, với mức độ thành công khác nhau.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9


Ý kiến của bạn: