Ổn định nguồn cung nguyên vật liệu để kiểm soát lạm phát

THU HIẾU - HOÀNG HƯƠNG - NGUYỄN QUỐC - TIẾN DŨNG - ANH DUY // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 14/1/2024, 16:54

(HTV) - Theo báo cáo của Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu Ngân hàng HSBC, Việt Nam đã khép lại năm 2023 một cách tương đối tích cực. GDP trong quý 4 năm 2023 đã tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước, đưa tăng trưởng cả năm lên 5,1%.

Bước đà này sẽ tạo nhiều thuận lợi để tăng tốc lên 6% trong năm nay. Tuy nhiên, vẫn có nhiều rủi ro về lạm phát trong thương mại hàng hóa.

GDP trong quý 4 năm 2023 đã tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước

Theo dõi diễn biến của thị trường hàng hóa tiêu dùng năm qua, chuyên gia về bán lẻ Phạm Thái Bình khá ấn tượng với cách TP.HCM kích cầu và bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu. Một số mặt hàng như gạo, cà phê có đột biến tăng cầu nhưng chỉ trong vài tháng đã kịp ổn định trở lại nhờ giải pháp đa dạng nguồn cung. Theo ông Bình, biến động giá xảy ra chủ yếu do tình huống cục bộ, một số mặt hàng tăng nhu cầu xuất khẩu thì các doanh nghiệp sẽ thu gom, đẩy giá thị trường nhích lên. Ví dụ thời gian qua nhu cầu về cà phê giá cả khá tăng nhưng đây là nhu cầu chung vì vậy doanh nghiệp phải giảm lợi nhuận một thời gian nhưng việc này cũng qua nhanh.

Thị trường hàng hóa tiêu dùng năm qua còn nhiều lạm phát

Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng viện Kinh tế - Tài chính nhận định, lạm phát năm 2024 của Việt Nam sẽ xoay quanh 3 - 3,5%. Tuy nhiên, nếu kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, giá nguyên vật liệu giảm thì lạm phát chỉ ở mức 2,5 - 3%. Nói chung nguy cơ lạm phát không lớn bởi trong 10 năm qua, Ngân hàng Nhà nước kiểm soát khá thành công lạm phát.

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh - Chuyên gia Kinh tế  phân tích thêm, việc điều chỉnh giá phí, dịch vụ công như y tế, giáo dục sẽ gây áp lục về giá thời gian tới. Nếu bỏ giá thực phẩm và nhiên liệu thì lạm phát lõi vẫn trên 4% do vậy lạm phát về tiền tệ cần đặc biệt quan tâm khi ngay đầu năm ngân hàng giao chỉ tiêu tín dụng 25%.

Nguy cơ lạm phát không lớn bởi trong 10 năm qua, Ngân hàng Nhà nước kiểm soát khá thành công lạm phát

Nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI chính là điểm tựa quan trọng để vượt qua khó khăn lạm phát trong năm nay. Đáng chú ý là FDI mới đổ vào sản xuất đã tăng lên mức cao mới đạt trên 15 tỷ USD, 80% trong số đó tập trung vào lĩnh vực sản xuất. Triển vọng Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đang gia tăng nhanh chóng dấu ấn FDI.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: