Trong thời điểm học sinh đi học trở lại, các chuyên gia y tế khuyến cáo, phụ huynh cần chú ý các biện pháp phòng tránh dịch bệnh, tuyệt đối không được chủ quan.
Theo thống kê, trong khoảng cuối tháng 8 năm nay, cả nước ghi nhận 5.727 trường hợp mắc tay chân miệng. Tích lũy từ đầu năm, cả nước ghi nhận hơn 68.000 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có 18 ca tử vong; so với năm ngoái, số ca mắc năm nay tăng 52,3%, số ca tử vong tăng 15 trường hợp.
Các chuyên gia cho hay, bệnh tay chân miệng lưu hành tại Việt Nam chủ yếu do chủng Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackie A16. Bệnh có thể xảy ra trên mọi đối tượng, tuy nhiên có đến 90% ca bệnh xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi. Chủng EV71 thường gây bệnh cảm nặng, dễ gây các biến chứng và có thể tử vong.
Chủng EV71 thường gây bệnh cảm nặng, dễ gây các biến chứng và có thể tử vong
Bệnh tay chân miệng đặc biệt diễn biến rất nhanh trong vòng vài giờ. Do đó, khi trẻ được điều trị bệnh tại nhà, ngoài việc chăm sóc và cho trẻ uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ thì cha mẹ cần theo dõi sát diễn biến bệnh của trẻ để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Thời gian qua, ghi nhận được số lượng bệnh nhân mắc thủy đậu, tay chân miệng, đau mắt đỏ phần lớn ở nhóm tuổi mầm non và tiểu học. Sắp tới sẽ là thời điểm học sinh quay lại trường học, trùng với thời điểm bệnh tay chân miệng tăng mạnh vào khoảng tháng 9, 10 hằng năm. Vì vậy, theo các chuyên gia y tế, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn, rất cần sự chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh từ sớm, từ xa của mỗi cá nhân và tập thể.
Theo Cục Y tế dự phòng, hiện nay đang là thời gian bắt đầu năm học mới, có nhiều nguy cơ lây lan các dịch bệnh nguy hiểm như tay chân miệng, đau mắt đỏ nếu các trường học và đặc biệt các cơ sở giáo dục mầm non, nhà trẻ gia đình không thực hiện tốt các biện pháp cá nhân, vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9