Những chiến sĩ Điện Biên kể về những ký ức hào hùng 70 năm trước

PHƯƠNG THANH - MINH CHƯƠNG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 21/4/2024, 17:56

(HTV) - Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM đã tổ chức chương trình giao lưu với chủ đề "Chiến sĩ Điện Biên kể chuyện".

Đến dự buổi giao lưu có Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thái Bê -  nguyên Chính ủy Quân đoàn 4, Nguyên Chính ủy Trường sĩ quan Lục quân 2; Ông Lâm Đình Thắng - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh; Đại tá, Nhà văn Phạm Văn Trường -  Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Quân đội nhân dân.

Dù tuổi đã trên 90, nhưng khi được hỏi về công tác huấn luyện, bổ sung quân, phương án tiếp tế lương thực khi chuyển đổi phương châm từ "đánh nhanh giải quyết nhanh" sang "đánh chắc tiến chắc" hay tâm trạng bộ đội ta khi đưa pháo xuôi bè vào trận địa chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn được các chiến sĩ kể lại một cách chân thực với niềm cảm xúc đầy tự hào về những ký ức hào hùng của 70 năm về trước.

Đại tá Hoàng Ngọc Thương - Nguyên Đại đội phó Đại đội Pháo binh thuộc Đại đoàn Công pháo 351, Phó Trưởng Ban Liên lạc Truyền thống Chiến sĩ Điện Biên Phủ tại TP.HCM đã chia sẻ rằng thời điểm đó khó khăn vô cùng. Pháo binh 24 khẩu pháo để đưa về được thì các chiến sĩ khi đi lấy phải tháo từng bộ phận đưa về, trời rất rét, vắt cắn đầy người. Có nhiều đồng chí từ biên giới về Sông Lô, Phú Thọ đã hi sinh, nhưng khí thế hùng dũng.. Anh em đồng đội với nhau, giúp đỡ nhau rất tích cực.. Thực tế mà nói không hề sợ chết, thế mới lạ... Tích cực xông lên. Tuy nhiên, anh em sống rất vui. Tất cả anh em dân công biết bộ đội hi sinh nhiều, đưa gạo đưa nước lên, nhập vào bộ đội chiến đấu luôn, nên quân số của chúng tôi luôn được tăng cường.

Còn với Đại tá Phan Hải Tân - Nguyên Trung đội phó thuộc Trung đoàn 77 Bộ Tổng Tham mưu, Ủy viên Ban Liên lạc Truyền thống Chiến sĩ Điện Biên Phủ tại TP.HCM, làm nhiệm vụ huấn luyện và bổ sung quân cho chiến trường, đã chia sẻ: Huấn luyện cho anh em những kĩ năng chiến đấu như bắn súng, đâm lên, ném lựu đạn, đào công sự, đánh bộc phá, rất cần cho chiến trường mà cụ thể trong chiến dịch Điện Biên Phủ, một chiến sĩ có quyết tâm đồng thời kĩ thuật chiến đấu thì có bản lĩnh chiến đấu rất vững vàng.

Với công tác hậu cần, Đại tá Trần Thịnh Tần - Nguyên Chiến sĩ Hậu cần thuộc Tổng cục Cung cấp, Trưởng Ban Liên lạc Truyền thống Chiến sĩ Điện Biên Phủ tại TP.HCM đã nêu lên rất nhiều khó khăn thời điểm đó. Hậu cần lúc đó phải phục vụ cho 5 đại đoàn chiến đấu ở phía trước Khi chuyển đổi sang chiến lược "Đánh chắc thắng chắc" thì nhiều người rất lo thiếu lương thực cung cấp cho bộ đội. Nhưng may lúc đó, người dân 3 tỉnh Tây Bắc ngay từ ban đầu đã ủng hộ 10 ngàn tấn lúa... tổ chức đóng cối xay làm sao chuyển 10 ngàn tấn lúa sang 7 ngàn tấn gạo).

Với vai trò là đơn vị tổ chức buổi giao lưu, Nhà văn, Đại tá Ông Phạm Văn Trường - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Quân đội nhân dân cũng đã nhấn mạnh rằng mặc dù tuổi cao nhưng các cụ vẫn là những con người vĩ đại về sức khỏe, về trí tuệ, và sự minh mẫn. Sự hiện diện của các nhân chứng lịch sử góp phần làm sinh động cho sự giới thiệu của bộ sách cũng như tạo nên sự hấp dẫn trong các bạn trẻ về những năm tháng hào hùng của 70 năm hiện về. Đồng thời kể chuyện về những tấm gương, nghị lực, ý chí kiên cường và khắc phục khó khăn của bộ đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Có thể nói, các cựu chiến binh Điện Biên Phủ sinh sống tại Thành phố ngày càng vơi dần do tuổi cao sức yếu. Vì vậy, buổi giao lưu gặp gỡ những nhân chứng quý báu của lịch sử, những người đã trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là cơ hội quý giá cho thế hệ trẻ hiện nay.

 >>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: