Ký ức đặc biệt từ Cầu Truyền hình "Linh thiêng Việt Nam": Người vợ chỉ sống chung với liệt sĩ Lê Văn Huỳnh đúng một tuần lễ rồi chia tay chồng vĩnh viễn

QUANG TRƯỜNG - HỒNG DIỄM - HOÀNG VIỆT - HỒ ĐỨC - MINH KHÔI - MINH KHOA // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 27/7/2023, 20:20

(HTV) - Một kỷ vật được nhắc đến trong Cầu Truyền hình "Linh thiêng Việt nam" là lá thư thiêng Thành cổ của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh...

Bao nhiêu người về với Thành cổ Quảng Trị đã rơi lệ vì những tình cảm mà người lính dành cho gia đình và kinh ngạc trước sự linh thiêng của linh hồn người liệt sĩ khi dự cảm về ngày mất của mình. Anh viết ngày 11/9/1972, trước ngày anh hy sinh đúng 3 tháng 20 ngày...  

Lá thư thiêng Thành cổ của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh

Một nhân vật đặc biệt được Ban tổ chức Cầu Truyền hình "Linh thiêng Việt Nam" kỳ công mời từ xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái bình đến dự ở đầu cầu Nhà hát Truyền hình TP.HCM là cô Đặng Thị Xơ, người vợ chỉ sống chung với liệt sĩ Lê Văn Huỳnh đúng một tuần lễ rồi chia tay chồng vĩnh viễn.

Và đến năm 2003, 30 năm sau khi liệt sĩ Lê Văn Huỳnh hy sinh, chính người vợ liệt sĩ này đã đến vùng đất Quảng Trị để tận tay đưa anh về với quê hương Thái bình.

Cô Đặng Thị Xơ đến nay vẫn một mình sống trong ngôi nhà tình nghĩa của huyện tặng tại xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình và vật quý giá nhất trong ngôi nhà là bản sao của Lá thư thiêng Thành cổ được trưng bày trang trọng ở giữa ngôi nhà.

Hơn 50 năm đã trôi qua, cô Đặng Thị Xơ đã giữ trọn được lời thề của mình với người chồng liệt sĩ.

Câu chuyện của cô đã làm rơi lệ bao khán giả của cầu truyền hình vì sự hy sinh, tình nghĩa sắt son bền chặt của người phụ nữ Việt Nam. Và đó chính là bệ phóng thầm lặng giúp các chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ của mình trong cuộc chiến tranh giải phóng đất nước. 

Đến nay, sau một năm qua đi, khi có dịp đến thăm cô Đặng Thị Xơ tại ngôi nhà của cô ở tỉnh Thái Bình. Cô vừa đi Quảng trị, thăm lại chiến trường cũ của chồng mình. Ngôi nhà tình nghĩa của địa phương xây cho cô vẫn giữ nguyên bài trí cũ và bức hình người liệt sĩ vẫn giữ mãi hình ảnh ở lứa tuổi đôi mươi. Cô vẫn thường xuyên thăm viếng ngôi mộ của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, thầm kể cho chồng những đổi thay tích cực của quê hương.

Người vợ liệt sĩ Đặng Thị Xơ vẫn còn giữ nguyên vẹn những cảm xúc khi tham dự cầu truyền hình "Linh Thiêng Việt Nam"

Còn đây là cô Tư Liêm - bí danh quen thuộc mà mọi người hay gọi cô Trương Mỹ Lệ - Nguyên Quyền Bí thư Thành đoàn TP.HCM, hai lần bị địch bắt, cô nếm trải mọi cay đắng của cảnh tù đày.

Và cứ mỗi dịp tháng 7, những hình ảnh xưa cũ, những ký ức về đồng đội đã mất lại ùa về, và ký ức nhưng là một nỗi niềm thôi thúc, cô lại cùng với các bạn đoàn viên của TP.HCM thắp nến tri ân tại Nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM cũng như cùng các bạn tù trước kia tập các tiết mục văn nghệ để biểu diễn cho các hương hồn đồng đội.

Cô Trương Mỹ Lệ - nguyên Quyền Bí thư Thành đoàn TP.HCM tâm sự: "Có những người rất trẻ đã nằm ở dưới mồ. Trong nghĩa trang liệt sĩ thành phố, ngoài các anh em đồng đội, gia đình tôi có 4 người, chưa biết yêu. Mình may mắn, mình còn sống, khỏe mạnh để tiếp nối cho các anh em đồng đội đã hy sinh, xây dựng đất nước, hoàn thành nhiệm vụ, phát triển đất nước, chăm lo đời sống. Tôi cùng với Thành đoàn chăm lo cho các gia đình chính sách".

Cô Trương Mỹ Lệ tâm sự về kỷ niệm với những đồng đội đã mất

Cầu Truyền hình "Linh thiêng Việt nam", câu truyện của các anh hùng liệt sĩ đã làm lay động hàng triệu triệu trái tim của thế hệ trẻ hôm nay, những người đã và đang hưởng những giờ phút bình yên được đánh đổi bằng xương máu của các anh hùng liệt sĩ. Và những hy sinh đó đang được thế hệ trẻ hôm nay tiếp nối với bao hoài bão để đưa đất nước bay lên. 

 Đại úy Võ Thị Bích Phương - Phó Bí thư Thường trực Đoàn thanh niên Công an TP.HCM nhấn mạnh: "Trong thời đại 4.0, chúng tôi cũng sáng tạo trong việc ứng dụng khoa học công nghệ và luôn là lực lượng xung kích đi đầu trong đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần giữ gìn bình yên, hạnh phúc của người dân. Tôi tin rằng đây là phần việc thiết thực nhất, cụ thể nhất để tri ân những sự hy sinh, ngã xuống của thế hệ cha ông".

Đại úy Võ Thị Bích Phương nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác phòng chống tội phạm

Là một đoàn viên, là lớp trẻ và tương lai của đất nước, anh Hồ Phạm Đăng Khoa - sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM bộc bạch: "Là đoàn viên, cũng đồng thời là sinh viên báo chí, tôi ý thức mình phải có trách nhiệm lan tỏa những thông tin tích cực. Phản ánh đến khán giả những điều chưa được để hướng đến giải pháp, xây dựng thành phố tốt đẹp hơn. Đó là hành động thiết thực để thể hiện sự tri ân của mình".

Anh Hồ Phạm Đăng Khoa bày tỏ lòng tri ân trước những anh hùng liệt sĩ

Một buổi sáng yên bình lại đến trên TP.HCM, cuộc sống thanh bình đang bình thản trôi qua trong những hối hả, lo toan của bao người.

Để đánh đổi cảnh thanh bình này là sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ. Khi đất nước bị xâm lăng thì có thứ gì khác đã băng qua kẽm gai và lũy sắt, có thứ gì khác đã vượt ra lao tù và xiềng xích, ngoài trái tim khao khát tự do mãnh liệt cho dân tộc ta, cho Tổ Quốc chúng ta.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: