Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - Một khúc tâm tình (Phần 1)

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam, là một trong năm nhạc sĩ đầu tiên thành lập nên Hội nhạc sĩ Việt Nam. Trong sự nghiệp sáng tác, ông đã có nhiều duyên nợ ân tình với sông La núi Hồng của miền quê Hà Tĩnh...

Chân dung nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý (Ảnh chụp lại)

Tôi đến thăm ông tại ngôi nhà nhỏ nằm trong con hẻm gần chợ Tân Định, Quận 1, TP.Hồ Chí Minh trong một buổi sáng đầu hè đầy nắng. Khi biết tôi là người Hà Tĩnh, người nhạc sĩ già chớp chớp hàng mi bạc trắng rồi thốt lên: “Tôi không phải người Hà Tĩnh, nhưng Hà Tĩnh với tôi ân tình sâu nặng chẳng khác nào quê hương!”. 

Phái đẹp - nguồn cảm hứng sáng tác bất tận!

Sau vài câu xã giao, ông kể cho tôi nghe về những năm tháng tuổi thơ hàn vi nhưng nhiều kỷ niệm trên quê hương Xô-viết. Ông sinh ra tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, nhưng nguyên quán lại ở Vĩnh Phúc. Cha mẹ ông là công nhân Nhà máy xe lửa Trường Thi. Ngày bé, Nguyễn Văn Tý học ở Trường Quốc học Vinh, được chọn tham gia dàn nhạc thánh ca, được học nhạc lý và học đàn guitar từ các giáo viên người Pháp và người Hoa. 

Năm 1945, ông tham gia phong trào Việt Minh, sáng lập và xây dựng đoàn kịch thơ, kịch nói của Thanh niên Cứu quốc Nghệ An và bắt đầu sự nghiệp sáng tác của mình. 

Điểm lại các bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, dù là tình khúc hay nhạc cách mạng, quê hương, luôn có dáng dấp những người phụ nữ mà ông yêu mến. Phụ nữ là nguồn cảm hứng bất tận làm nên hàng loạt nhạc phẩm đi cùng năm tháng của ông. 

Nếu trong tình khúc, họ là những thiếu nữ kiều diễm, mơ màng, thì ở những bài ca cách mạng, ngợi ca quê hương đất nước, lao động, sản xuất…, họ là người phụ nữ Việt Nam sáng ngời tinh thần “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. 

"Mẹ yêu con" - khúc sử thi về tình mẫu tử của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý (Ảnh chụp lại)

Ông tâm sự, từ tình cảm thương kính người mẹ tảo tần “hiền như củ khoai, củ sắn” và từ hình ảnh hai người vợ hiền sớm bỏ ông về bên kia thế giới khiến ông mến yêu thân phận những người phụ nữ. 

Trong bốn bài hát của ông viết về Hà Tĩnh đều thấp thoáng bóng dáng những người phụ nữ trên dải đất này từng để lại trong ông nỗi nhớ niềm thương. 

Ca khúc đầu tiên của ông về Hà Tĩnh là bài Đường về Hộ Độ. Ông kể, khi ông 20 tuổi, cha ông hy sinh, mẹ của ông là bà Lê Thị Thang một mình phải gồng gánh nuôi đàn con thơ đang tuổi ăn tuổi lớn. 

Trong ký ức người nhạc sĩ già, vẫn hằn in bóng dáng người mẹ sáng sớm tinh mơ quai gánh đi về phía biển, gánh muối về bán kiếm tiền nuôi con. 

Dáng mẹ gầy và gánh muối oằn trĩu trên bờ cát trắng đi vào bài hát của ông với xúc cảm thiêng liêng của một người con: Ngày xưa Mẹ đi về Hộ Độ/ Mua được muối mang về không đi bằng đường bộ mà phải theo đò vượt biển khơi sóng vỗ/ Bao đêm mất ngủ, mới đưa được muối về/ Ôi con đường xưa sao mà trắc trở, cũng vì con nhỏ bao gian khổ cũng không nề…

Người “cắm con đò đứng đợi” là ai?

Ca khúc thứ hai của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý về Hà Tĩnh và cũng là bài hát được nhiều người biết nhất là Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh. Khi tôi hỏi về ca khúc này, người nhạc sĩ già rung rung mái tóc, ánh mắt rưng rưng dâng trào cảm xúc. Ký ức một thưở chợt hiện về. 

Một đoạn nhạc của bài hát "Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh" (Ảnh chụp lại)

Thưở ấy, vào tuổi đôi mươi, Nguyễn Văn Tý là chàng nhạc sĩ nghèo nhưng rất hào hoa, ngày ngày tập đàn guitar trên căn gác nhỏ. Có cô gái nhà bên tên là Báu, từ mê tiếng đàn mà đem lòng yêu nhạc sĩ. 

Chàng nhạc sĩ nghèo cũng ngất ngây trước vẻ đẹp thánh thiện của cô rồi thầm yêu trộm nhớ. Thế rồi mẹ cô gái biết chuyện, bà cho rằng không hộ đối môn đăng nên tìm cách ngăn cản. 

Cô gái vì thế mà tương tư xanh xao như tàu lá héo. Còn chàng nhạc sĩ vì phận nghèo đành để cho mối tình đầu tuột khỏi tầm tay. 

Rồi một ngày cô Báu đi lấy chồng. Sau đó, cô đã mai mối cho người yêu cũ của mình một người con gái ở thôn quê làm nghề dệt vải. Nguyễn Văn Tý đã về bến sông quê tìm cô gái làng dệt theo lời giới thiệu của người yêu cũ. Và ông đã gặp cô gái làng dệt. Dù “tình trong như đã” nhưng “mặt ngoài còn e”, nên cả hai người cứ ấp a ấp úng không nói thành lời. 

Thế rồi ông ra Hà Nội công tác, để lại nơi bến sông quê một mối tình chưa kịp nói câu ước hẹn. Rồi thời gian cứ thế trôi đi... 

Sau này, một người quen của cô gái làng dệt gặp Nguyễn Văn Tý ở Hà Nội, đã bảo với ông rằng: “Anh có một cái tội rất lớn. O tôi đã chờ anh gần 20 năm, ai hỏi cũng bảo đã có chồng. Vì một chữ thương, cả tuổi xuân đánh đổi chỉ để chờ đợi một người con trai không ước hẹn...”. 

Và rồi đã nhiều lần nhạc sĩ trở lại bến sông xưa, nhưng bóng dáng người thương nay đã không còn. 

Thương về người con gái sông quê, trong ca khúc Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, ông đã viết: Ai hôm nay ra khơi buông lưới. Mà nhìn chi mãi con tàu vào bờ. Nhìn bến cảng lại nhớ ngày xưa. Thương con đò cắm con sào đứng đợi... 


Năm 2000, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (Ảnh chụp lại)

“Con đò cắm sào đứng đợi chính là hình ảnh của người con gái làng dệt năm nào” – nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý ngậm ngùi.  

Nhớ đến bài hát này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cứ nhắc hoài Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh thời ấy là ông Trần Quang Đạt (sau này là Chủ tịch UBND tỉnh – PV). “Tôi rất biết ơn ông Đạt, người đã giúp tôi rất nhiều trong quá trình đi thực tế viết hai ca khúc về Hà Tĩnh” – ông bộc bạch. 

Ông Đạt là người luôn sát cánh và kể cho nhạc sĩ nghe nhiều điển tích, những nét sinh hoạt trong đời sống văn hóa của các vùng quê Hà Tĩnh. 

Sau khi bài hát Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, ông Đạt đã gặp nhạc sĩ và bảo: “Anh không phải là người Hà Tĩnh mà viết hay như vậy thì là người Hà Tĩnh chính hiệu rồi đấy”.


Núi Hồng - Sông Lam thơ mộng (Ảnh internet)

Tóm tắt tiểu sử nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý

- Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh ngày 5 tháng 3 năm 1925 tại thành phố Vinh, Nghệ An.

- Tác phẩm được yêu thích: Dư âm, Mẹ  yêu con, Dáng đứng Bến Tre, Bài ca năm tấn, Bài ca phụ nữ Việt Nam, Em đi làm tín dụng, Tấm áo chiến sỹ mẹ vá năm xưa, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Cô nuôi dạy trẻ, Ru người trăm năm...

- Năm 2000, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm: Mẹ yêu con, Vượt trùng dương, Bài ca năm tấn, Tấm áo chiến sỹ mẹ vá năm xưa, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Dáng đứng Bến Tre. 

(Còn tiếp)

Văn Nguyễn