Nhà hát Kịch TP.Hồ Chí Minh vừa ra mắt vở “Cuộc hành trình tìm bức chân dung” tạo được ấn tượng cho khán giả bằng câu chuyện xúc động và lối diễn chân thật của những diễn viên lần đầu bước lên sân khấu chuyên nghiệp
Đây là bài báo cáo tốt nghiệp của đạo diễn trẻ Hoàng Tấn, sinh viên Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, đồng thời là diễn viên của Nhà hát Kịch Thành phố
Xin chào đạo diễn Hoàng Tấn. Anh có thể chia sẻ về nội dung vở kịch “Cuộc hành trình tìm bức chân dung” mà Nhà hát kịch TP. Hồ Chí Minh vừa thực hiện?
“Cuộc hành trình tìm bức chân dung” kể câu chuyện về nhóm bạn nhỏ Non (Tiến Ngô), Đạm (Tấn Phúc), Liêm (Anh Duy) và bé Ba (Xuân Nghi) đã có cuộc hành trình đầy mạo hiểm tìm kiếm bức chân dung Bác Hồ để làm mẫu khắc tượng đặt lên bàn thờ của Người.
Cả 4 đứa trẻ, đứa lớn nhất chỉ mới 14 tuổi, đều là con em của du kích vùng đất Mũi theo gia đình tản cư vào rừng chống chiến dịch dồn dân lập ấp chiến lược của địch.
Nghe tin Bác mất, người dân bí mật làm lễ truy điệu và lập đền thờ Bác giữa rừng. Dù không biết Bác Hồ là ai nhưng lần đầu tiên thấy những người thân, những người lớn xung quanh, có cả những chú chỉ huy du kích ngày thường mạnh mẽ là thế, lại khóc nhiều như thế, 4 đứa nhỏ chắc chắn: “Cụ Hồ phải tốt lắm!”. Chỉ qua lời kể của ông nội, của má, của “chú Ba Bí thơ” và những cô dì chú bác xung quanh mà đám trẻ yêu mến, ngưỡng mộ xem Bác như người thân thương trong gia đình.
Trong cuộc hành trình nguy hiểm, bọn trẻ may mắn được ông già gác rừng (diễn viên Thanh Tuấn), cũng làm nhiệm vụ tiếp tế, cảnh giới và điểm liên lạc cho du kích, cứu giúp, thậm chí hy sinh cả mạng sống để bảo vệ. Thường chỉ đảm nhận vai trò “kép phụ”, Thanh Tuấn đã có một vai diễn đáng nhớ khi thể hiện duyên dáng và giàu cảm xúc hình ảnh một ông già Nam bộ bộc trực, vui tính mà đầy khí phách.
Chuyên về diễn hài nhưng Thanh Tuấn cũng đã chứng tỏ khả năng diễn bi của mình khi mang đến những cảm xúc lắng đọng về nỗi niềm một người dân miền Nam mong mỏi ngày đất nước thống nhất được đón Bác Hồ vào thăm nay đã không thể thực hiện hay sự bùng nổ căm phẫn khi đối diện với đoàn biệt kích. Linh hồn của vở diễn thuộc về 4 diễn viên nhí (từ 8 đến 17 tuổi), không ngờ những đứa trẻ của thị thành lại có thể vào vai những đứa con của du kích quen lam lũ, bản năng sinh tồn mạnh như cây đước giữa rừng, một cách “mượt” như thế. Cả 5 diễn viên của "Cuộc hành trình tìm bức chân dung" với cảm xúc chân thật đã đưa được các nhân vật của một giai đoạn lịch sử đã xa, trong một hoàn cảnh đặc thù, trở lại sinh động và làm khán giả đồng cảm.
Anh có thể chia sẻ lý do chọn đề tài được cho là khó đối với một đạo diễn trẻ để dựng vở tốt nghiệp?
Suốt 7 năm là diễn viên của Nhà hát kịch Thành phố, mới đây nhất là một đảng viên trẻ, cùng với sự định hướng định hướng của lãnh đạo Nhà hát về phân khúc chọn khán giả đối với đề tài văn học lịch sử. Vì vậy, tác phẩm “Cuộc hành trình tìm bức chân dung” ra đời cũng nằm trong định hướng đó và không phải là ngoại lệ. Qua tác phẩm này, khán giả thấy được hình ảnh Bác rất gần gũi và thân quen với chúng ta và hình ảnh ấy luôn ngự trị trong mỗi trái tim con người Việt Nam.
Tôi không quan niệm về đề tài khó hay dễ nhưng việc lựa chọn này là cơ hội để tìm hiểu về lịch sử, học hỏi các tiền bối đi trước. Trong quá trình làm việc, tôi rất may mắn vì bên cạnh luôn có người Thầy tâm huyết - Nghệ sỹ Khánh Hoàng đã cho tôi những bài học cần thiết và quý giá.
Chọn đề tài này thì người đạo diễn phải “giải mã” như thế nào để chuyển tải trọn vẹn ý muốn của tác giả?
Thời hoàng kim, khán giả tìm đến sân khấu để thụ hưởng “cái đẹp” bởi các giá trị sân khấu hướng đến. Lúc bấy giờ, yếu tố “nhìn” của sân khấu chưa được chú trọng vì điều kiện kinh tế gặp khó khăn. Có thể nói, tôi đã tìm ra chìa khóa mở cánh cửa cuộc hành trình bằng phương thức trình chiếu Hologram.
Ngày nay, với sự cạnh tranh của gameshows và các chương trình thực tế, khán giả tìm đến sân khấu ngày một thưa dần, mặc khác, vì khoản đầu tư cho một vở diễn khá nặng nên khâu cảnh trí bị bỏ ngỏ. Mặc khác, thị hiếu khán giả ngày càng cao về yếu tố “nghe, nhìn” nên để thu hút khán giả trong thời công nghệ, buộc sân khấu kịch phải chuyển mình.
Khi tiếp nhận kich bản “Cuộc hành trình tìm bức chân dung”, tác giả viết khá chi tiết về vùng sông nước U Minh với rừng đước bao quanh và cảnh sinh hoạt của người dân vùng ngoài Ấp chiến lược.
Để tái hiện trên sân khấu trọn vẹn về không gian ấy và hướng đến việc khán giả tin vào câu chuyện kịch thì người đạo diễn cần áp dụng công nghệ trình chiếu Hologram (màn Gauze và Led) để thu hút người xem với cảnh rừng đước bị máy bay rải chất độc màu da cam, cảnh bơi lội, cảnh tấn công… tất cả được trình chiếu chi tiết. Thêm vào đó là sự tương tác của diễn viên đã góp phần làm cho khán giả tin vào câu chuyện với một cảm giác chân thật và sống động, hỗ trợ rất nhiều cho sự sáng tạo của diễn viên.
Anh có thể chia sẻ thêm về hiệu quả khi ứng dụng công nghệ vào vở diễn?
Công nghệ hình ảnh 3D (3 chiều) Hologram hoàn toàn là hình ảnh ảo nên diễn viên có thể đi xuyên qua, hoặc sử dụng các hiệu ứng độc đáo để làm tan biến hình ảnh đó. Vậy nên, câu hỏi đặt ra là tại sao những nhà hát không sớm trang bị cho mình trang thiết bị này để tả không gian cho vở diễn một cách chân thật và lôi cuốn người xem?
Chính vì vậy, kịch 3D là cụm từ được nhắc đến khi khán giả đến xem vở “Cuộc hành trình tìm bức chân dung” được Nhà hát kịch Thành phố đầu tư khoản kinh phí 200 triệu đồng và tôi mạnh dạn tìm đến công nghệ tình chiếu này để tạo điểm nhấn cho vở diễn.
Bằng cách áp dụng “điện ảnh vào sân khấu” với những màn gây cấn như nhóm nhỏ chèo xuồng đi vào rừng bị tàu sắt tấn công, hay màn bơi trong nước của nhân vật Đạm được đặc tả sinh động. Qua đó, ý đạo diễn muốn rằng, các em nhỏ luôn mong muốn hướng về một tương lai tương sáng, một ngày đất nước không còn chiến tranh, một ngày được bơi lội trong vùng biển bình yên...
Với ý đồ trên, việc tả không gian theo cách truyền thống sẽ khó thực hiện, nhưng ở đây, việc áp dụng công nghệ “điện ảnh vào sân khấu” không có nghĩa là tham hay muốn lấn sân sang loại hình nghệ thuật ngôn ngữ được tả bằng hình ảnh mà là sự hướng về yếu tố “nhìn” của người xem.
Đây là yếu tố không gian một phần rất quan trọng trong việc xử lý của đạo diễn. Mong muốn rằng, trong tương lai, Nhà hát kịch Thành phố được sửa chữa thì hạng mục đầu tư về sân khấu sẽ được trang bị thêm về công nghệ trình chiếu Hologram để các vở diễn của Nhà hát sẽ có sắc màu sinh động và chân thật - một giải pháp nho nhỏ cho việc kéo khán giả đến với sân khấu trong gian đoạn khó khăn hiện nay.
Xin cảm ơn anh!
Đăng Thao thực hiện