Đến với âm nhạc bắt đầu bằng tình yêu với cây đàn piano và organ, nhưng vì muốn làm thỏa lòng cha mẹ, Trần Trung đã hướng mình sang cây đàn bầu dân tộc, để rồi sau đó anh đã phải cảm ơn đấng sinh thành về sự chọn lựa đúng đường này!
Trần Trung
Đến nay, chàng trai của thành phố Hoa phượng đỏ không chỉ chung thủy với cây đàn bầu được 18 năm mà còn rong ruổi khắp trong và ngoài nước, mang niềm vui bằng những nốt nhạc ngợi ca cuộc sống đến với mọi người.
Trong quá trình học đàn bầu, Trần Trung cũng đã gặt hái được một số thành tích đáng nể, như học bổng Nguyễn Trường Tộ, học bổng VNHelp của các tổ chức dành cho học sinh có thành tích xuất sắc, và tốt nghiệp loại giỏi vào năm 2013.
Không chỉ dừng đam mê ở cây đàn dân tộc, Trần Trung còn là một nghệ sĩ hòa âm phối khí rất mát tay. Thời gian qua, anh đã góp mình trong rất nhiều chương trình âm nhạc của TP. Hồ Chí Minh nói chung và của HTV nói riêng.
Xin chào nghệ sĩ Trần Trung. Xin anh cho biết, anh bén duyên với bộ môn nhạc cụ dân tộc đàn bầu như thế nào?
Có lẽ duyên này là do xuất phát từ truyền thống của gia đình, trong đó bố mẹ của Trung đều là diễn viên tại Đoàn chèo Hải Phòng. Hồi bé, lúc mới học nhạc, bố mẹ đã cho Trung theo học organ, sau đó theo hướng chuyên nghiệp và thi vào trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai. Tại đây, Trung đã hướng mình theo học đàn bầu và đây cũng là mong muốn của gia đình.
Đàn bầu là một loại nhạc cụ đặc trưng của dân tộc Việt Nam và âm thanh của nó mang một màu sắc riêng không bị trùng với nhạc cụ nào. Đó chính là lý do Trung dành tâm huyết cho đàn bầu.
Trần Trung trong một chương trình của HTV
Anh bắt đầu tham gia biểu diễn chuyên nghiệp từ khi nào? Và trong hành trình đó, cây đàn bầu đã cùng anh “rong ruổi” những đâu để góp phần làm đẹp cho đời, cho người?
Trung bắt đầu tham gia biểu diễn chuyên nghiệp từ năm 2013, ngay sau khi tốt nghiệp Nhạc viện. Đây cũng là lúc Trung biểu diễn ở nhiều nơi trong thành phố cùng với ban nhạc của mình lúc đó là “ANDT” được viết tắt của chữ “Âm nhạc dân tộc”, band là một nhóm sinh viên của khoa tự thành lập và các anh chị em chơi nhạc với nhau, cùng tập luyện để đi biểu diễn.
Chuyên về đàn bầu nhưng thời gian qua lại thấy anh xuất hiện trong nhiều chương trình của HTV trong vai trò nghệ sĩ hòa âm phối khí. Vậy, đâu mới là chuyên môn chính của anh?
Thực ra, lần đầu Trung bén duyên với HTV trong vai trò nghệ sĩ đàn bầu khi tham gia chương trình “Giọt đàn bầu” của thầy Toàn Thắng - người đã dìu dắt Trung trong suốt 4 năm tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh. Sau đó, đến năm 2013, Trung lại được vinh dự tham gia biểu diễn đàn bầu trong chương trình “Gõ cửa âm nhạc” với tinh thần tuyên dương học sinh xuất sắc của khoa Âm nhạc Dân tộc. Năm đó, Trung và một chị trên khóa chuyên sáo trúc có được vinh dự này. Đây cũng là lần khiến Trung vui và có ấn tượng nhiều nhất.
Còn việc đến với hòa âm phối khí lại là một niềm đam mê và là một hướng rẽ khác, bởi ban đầu Trung không xác định là sẽ theo đàn bầu được tới tận bây giờ và phát triển theo hướng chuyên nghiệp. Và theo thời gian, Trung cũng đi học thêm các trường lớp bên ngoài, học thêm về piano, hòa âm để nâng cao thêm bản thân cũng như các khóa sản xuất âm nhạc và học hỏi kinh nghiệm của các anh chị đi trước.
Hiện tại, công việc chính của Trung là Chuyên viên tại Trung tâm Bồi dưỡng Năng khiếu Âm nhạc thuộc Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Trung cũng theo giảng dạy đàn bầu và hòa âm phối khí.
Trần Trung bận rộn trong vai trò hòa âm phối khí
Hai chuyên môn đàn bầu và hòa âm phối khí có sự hỗ trợ nhau như thế nào?
Là một người xuất thân từ nhạc cụ dân tộc nhưng Trung lại yêu thích nhạc điện tử EDM nên cũng muốn âm nhạc của mình có cái gì đó gắn liền với nhạc cụ dân tộc. Sau thời gian làm việc tại Nhạc viện, buổi tối Trung dành thời gian cho việc mày mò, cũng như làm các dự án của mình.
Chia sẻ thêm một chút về việc hòa âm và phòng thu, đây là chuyên môn giúp ích cho Trung khá nhiều trong việc giảng dạy hiện tại. Trung đang dạy 2 em học sinh khiếm thị học đàn bầu, các em không thể tư duy nhìn sách cũng như nốt nhạc như những người bình thường, mà phải nghe để học và ghi nhớ để tập ở nhà, nên Trung đã thu âm những bài đàn bầu ở nhà, sau đó gửi cho các em nghe.
Hiện Trung cũng đang lên kế hoạch làm một kho audio các bài bản giảng cho các em học viên khiếm thị. Còn về việc biểu diễn thì nó cũng giúp ích cho Trung rất nhiều, chẳng hạn như có thể tự làm beat cho bản thân mỗi khi đi diễn hoặc khi cần một bài nào đó mà tìm trên mạng không có. Và Trung cũng hay thu âm đàn bầu ở nhà, cover các bài để up lên youtube.
Trần Trung trong một chương trình giao lưu âm nhạc dân tộc
Đồng hành cùng nhiều chương trình của HTV như đã kể, Trần Trung lĩnh hội được những gì?
Làm việc cùng HTV, có lẽ với Trung điều quan trọng nhất là tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Qua quá trình làm việc, Trung cảm nhận được sự chuyên nghiệp của các anh chị Ban Ca nhạc, cũng như cảm thấy bản thân phải củng cố kiến thức, kinh nghiệm để viết nhạc nhiều hơn cho mỗi chương trình, mỗi ca khúc.
Gần đâu nhất, Trung tham gia chương trình “Âm sắc Việt” (Âm nhạc dân tộc và Âm nhạc điện tử). Đây là chương trình nói về dự án mà Trung đang làm cùng với thầy cô và các anh chị trong trường trong một năm qua.
Mỗi năm, HTV đều có một sự biến chuyển và luôn đổi mới trong tư duy, do đó chương trình năm nay thực sự được đầu tư cao cả về sân khấu và ánh sáng. Trung rất vui và phải cám ơn bạn Thu Thảo – người biên tập chương trình, đã kết nối Trung cùng với Đài HTV để làm chương trình này. Qua đó, Trung có dịp được trải lòng cũng như chia sẻ những gì mình đã làm trong gần một năm vừa qua.
Trần Trung tâm huyết với dự án dạy đàn bầu kết hợp với điện tử cho người khiếm thị
Ngoài các chương trình trên cánh sóng HTV, được biết Trần Trung còn có nhiều chương trình đáng để quan tâm. Anh có thể chia sẻ thêm về điều này?
Năm nay, Trung cũng đã làm những dự án sản xuất nhạc bên ngoài khá nhiều, như dự án nhạc game cho PUBG Việt Nam, một vài TVC của Dooki, Be và một dự án lớn ấp ủ trong năm nay là một mini album kết hợp giữa điện tử và âm nhạc dân tộc sẽ phát hành trên nền tảng Spotify và Apple Music. Đây là niềm vui mang ý nghĩa lớn đối với bản thân bởi Trung đã đưa được dân ca Việt Nam lên các kênh nhạc quốc tế. Và hy vọng sản phẩm lần này sẽ được mọi người đón nhận.
Thời gian sắp tới, Trung sẽ vẫn tiếp tục công việc tại Nhạc Viện TP. Hồ Chí Minh. Hoàn thành giáo trình audio giảng dạy đàn bầu cho người khiếm thị, đồng thời phát triển thêm về các mảng hòa âm, phối khí, các dòng nhạc mới để đưa nhạc dân tộc, dân ca Việt Nam đến gần với người trẻ.
Cảm ơn Trần Trung về những chia sẻ thú vị này! Chúc cho các kế hoạch của anh thành công như ý!
Hoàng Quyên