Nhà báo và chuyện nhập vai

Thỉnh thoảng chúng ta vẫn gặp trên truyền thông những hình ảnh phóng viên “trong vai một người đi mua căn hộ”, “trong vai một người cần vay vốn” để khám phá những bí mật bị che giấu bởi những thế lực tiêu cực và công bố cho đại chúng…

Đó là một thủ pháp tác nghiệp của nhà báo điều tra gọi chung là “nhập vai”.

Nhà báo điều tra nổi tiếng Nguyễn Đức Hiển (hiện là Phó TBT báo Pháp Luật TP.HCM) từng vào vai tù nhân để điều tra nạn đại bàng trong trại giam (người có dấu X)

Muôn kiểu hóa thân

Có nhà báo đã hóa thân trong vai người đi vào đào đãi vàng, có nhà báo phải đóng vai hành khách trên những chuyến xe đường dài để viết về nạn cơm tù, có nhà báo tìm cách để được tham gia một đường dây buôn lậu, một nhóm làm hàng giả, có nhà báo vào vai một người tù, hoặc vào vai một đại gia đi mua bất động sản…

“Dấn thân”, đóng vai, cải trang… để thu thập tư liệu, chứng cớ, chất liệu cho tác phẩm là hình thức giấu thân phận, danh tính để qua mắt thế lực cản trở trong quá trình điều tra.

Cũng cần nói thêm: Điều tra là phương pháp tác nghiệp cơ bản của phóng viên báo chí. Nhà báo có năng lực điều tra giỏi mới có sản phẩm báo chí tốt. Viết một cái tin hội nghị, tường thuật một sự kiện, viết chân dung một nhân vật… đều cần điều tra tốt để đem đến cho công chúng thông tin có giá trị, bản chất của vấn đề, góc nhìn mới lạ bất ngờ. Thế nhưng đó là phương pháp tác nghiệp chung. “Điều tra” trong thuật ngữ báo chí Việt còn là tên một thể loại. Điều tra là thể loại báo chí dùng để vạch trần sự thật, chỉ ra những sự thật mà có những thế lực, những kẻ quyền lực muốn che giấu cộng đồng. 

Làm điều tra là phanh phui sự thật người ta muốn giấu, vì thế nhà báo điều tra chắc chắn bị ngăn cản và hơn thế, có khi bị tấn công nguy hiểm đến tính mạng.

Vì đi vạch trần sự thật nó khó thế, nguy hiểm thế nên nhà báo điều tra phải dùng nhiều thủ pháp linh hoạt. Và có vẻ như ở Việt Nam lâu nay, thủ pháp “nhập vai” vẫn được sử dụng nhiều, nhất là khi thiết bị ghi hình/âm giấu kín nhỏ gọn ngày càng rẻ. “Nhập vai” cũng có nhiều dạng thức, mức độ: Hóa trang, cải trang để quan sát ghi nhận; vào vai trong một nhân vật khác để tham gia câu chuyện, sự kiện; “dấn thân” trải nghiệm thành nhân vật trong câu chuyện nguy hiểm (cùng ở tù, cùng đi làm thuê, cùng tham gia khóa huấn luyện…).

Nhưng, không phải tất cả các trường hợp “nhập vai” điều tra đều thành công. Và cũng không phải tất cả các trường hợp “nhập vai” điều tra đều được chấp nhận xét ở góc độ đạo đức nghề nghiệp, và cả ở góc độ luật pháp. 

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - báo Lao Động - trong vai khách du lịch để ghi hình tận cùng hang ổ cảnh phá rừng ở Mộc Châu, Sơn La

Nhập vai – con dao hai lưỡi

Cách đây không lâu, có một cô phóng viên trong vai người bị hại đã “gài” được một thẩm phán cấp tỉnh. Tại quán cà phê, viên thẩm phán nhận 10 triệu đồng và thoả thuận sẽ lấy 10% trị giá số tài sản đòi được với đương sự (mà cô nhà báo này thủ vai). Sau đó, anh thẩm phán bị bắt rồi phạt tù vì tội nhận hối lộ và ra bản án trái pháp luật. Đó là một vụ tác nghiệp báo chí “thành công” nhưng nhìn ở góc độ pháp luật và đạo đức nghề nghiệp, đó là tình huống không chấp nhập được. 

Khi nhà báo nhập vai và tham gia hoạt động cùng đối tượng điều tra của mình, họ luôn chủ động để tránh sơ sót và chủ động gài bẫy để đối tượng đối mặt với những rủi ro rất nghiêm trọng. Ví dụ trong tình huống đưa nhận hối lộ: chưa cần nhận, chỉ cần hứa hẹn, thoả thuận để làm một việc có lợi cho đương sự, hay người mà đương sự quan tâm, ngay cả trường hợp việc đó đúng pháp luật thì cũng đã thỏa mãn dấu hiệu khách quan của tội nhận hối lộ.

Thủ pháp nhập vai trong một số trường hợp vì thế khó khách quan, thiếu công bằng. Cho nên, các tòa soạn lớn thường có quy định cho phóng viên rất rõ ràng: Pháp luật lẫn đạo đức đều không cho phép nhà báo thu thập chứng cứ bằng cách chủ động gợi ý hay giăng bẫy để đưa ai đó “vào tròng”. Bởi khi đó, nếu đối tượng bị tội nhận hối lộ thì bản thân nhà báo cũng hoàn thành hành vi gợi ý hối lộ và đưa hối lộ.

Ở một số cơ quan báo chí việc nhập vai chỉ cho phép dừng lại ở mức cải trang để thâm nhập đời sống, ghi nhận và công bố sự thật hiện tuợng như nó vốn có. Ngay từ đầu, việc nhập vai phải được báo cáo Ban biên tập, và trong quá trình tác nghiệp nếu có gì phát sinh phải biết dừng lại xin ý kiến.

Ngoài ra, việc nhập vai trong tác nghiệp báo chí đôi lúc không phải vì sự cản trở của thế lực nào mà vì đối tượng điều tra là… động vật. Trong ảnh dưới đây, các phóng viên của kênh truyền hình National Geographic đóng vai chim cánh cụt để thực hiện một phim tài liệu về loài chim này. Hai phóng viên nhập vai tranh thủ nghịch ngợm một chút trước khi tác nghiệp. Tấm ảnh có chú thích vui: "Đừng lo em yêu, chúng ta sẽ làm tốt hơn trong lần casting sau cho National Geographic”.

Các phóng viên của kênh truyền hình National Geographic đóng vai chim cánh cụt để thực hiện một phim tài liệu về loài chim này

Không nên lạm dụng nhập vai

Nhà báo Nguyễn Đức Hiển – Phó Tổng biên tập báo Pháp luập TP.HCM, một cây bút điều tra nổi tiếng và là tác giả cuốn sách Nhà báo điều tra – cho rằng: “Nhà báo cũng bình đẳng như những công dân khác, không thể nhân danh tác nghiệp để thực hiện những hành vi mà một công dân không được phép làm. Dù khó khăn vẫn phải tìm tòi những phương án tác nghiệp an toàn, hiệu quả và đúng pháp luật”. Thường với việc nhập vai, nhà báo đã vô tình tác động chủ quan vào sự kiện khách quan nên việc phản ánh không thể trung thực. 

Điều tra nhập vai cũng cần biết một số nguyên tắc, kỹ năng. Khi nhà báo cải trang và đóng vai một người tài xế vi phạm luật giao thông để đưa hối lộ cho cảnh sát, anh ta đã tạo ra một tình huống đẩy đưa người cảnh sát vào hoàn cảnh phạm tội. Có thể do việc điều tra lấy bằng cớ để chứng minh rằng những cảnh sát giao thông đó tiêu cực quá khó khăn, các tài xế không hợp tác với nhà báo trong việc cung cấp thông tin vì sợ ảnh hưởng tới công việc làm ăn, nhà báo ấy phải chọn giải pháp “đóng vai”. Nhưng dù nhân danh mục đích tích cực thì cách đóng vai này vẫn không được chấp nhận.

Trong rất nhiều trường hợp, sử dụng thủ pháp nhập vai là cách điều tra không công bằng. Và dù nhân danh đấu tranh chống tiêu cực, nhà báo vẫn phải sử dụng những phương thức được pháp luật cho phép và không trái đạo đức.

Tóm lại, chỉ nên dùng thủ pháp nhập vai trong trường hợp không còn phương án nào để thực hiện điều tra. Và nội dung thông tin ghi nhận từ việc nhập vai này được dùng như một thứ chứng cứ không cần thiết phải công khai trên mặt báo.

Phan Văn Tú