Hai tấm ảnh đi kèm với bài này được chụp cách nhau gần 2 năm và đều là ảnh báo chí. Tuy nhiên, điểm giống nhau của 2 sản phẩm truyền thông này là đều có số phận lao đao do bị “cộng đồng mạng” đem ra bêu riếu xuất phát từ ý đồ xấu của một số người…
Bức ảnh thứ nhất do phóng viên Quang Định của báo Tuổi Trẻ chụp tháng 11/2018, nhân vật chính trong ảnh là ông Nguyễn Hồng Điệp, trưởng Ban Tiếp công dân trung ương (Thanh tra Chính phủ). Không gian chụp là Thủ Thiêm, những người đứng xung quanh ông Điệp trong tấm hình là bà con ở Thủ Thiêm.
Bức ảnh thứ hai do phóng viên Nguyễn Phúc của báo Thanh Niên vào sáng ngày 9/6/2020 tại kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh Quảng Trị khóa 7 nhiệm kỳ 2016 - 2021. Đây là kỳ họp mà HĐND tỉnh Quảng Trị bầu ông Võ Văn Hưng, Bí thư Thành ủy Đông Hà, giữ chức danh Chủ tịch UBND tỉnh khóa 7 nhiệm kỳ 2016 - 2021. Bức ảnh chụp cảnh các đại biểu đang bỏ phiếu.
Hai bức ảnh này khi đăng báo đều được chú thích rõ ràng nhưng đều bị mổ xẻ, đơm đặt để biến thành những câu chuyện truyền thông bẩn với ý đồ xấu. Cụ thể là:
Bức ảnh thứ nhất bị “cộng đồng” soi vào cái đồng hồ sang và điếu xì gà trên tay ông Nguyễn Hồng Điệp: cán bộ xài sang! Vụ soi này cũng có thể hiểu là do hình ảnh trực quan rõ ràng, nhưng sau đó, báo chí chính thống và ông Điệp có giải thích lại: Ông Điệp được một người bạn (cũng được người khác tặng mà không hút) cho điếu xì gà trong lúc ăn sáng. Ông Điệp không biết để đâu nên cầm trên tay lên xe từ chỗ ăn sáng vào sảnh tiếp dân luôn. Còn chiếc đồng hồ thì ông Điệp mua giá 3,5 triệu đồng tại một cửa hàng ở đường Cách Mạng Tháng 8 (TP. Hồ Chí Minh) chứ không phải đồng hồ sang…
Bức ảnh thứ hai thì không còn là sự soi mói mà là dựng chuyện. Câu chuyện do các KOL như TĐT, TCHD đưa lên mạng xã hội và đặt cho cái tên “Người kiểm phiếu vĩ đại”. Theo những KOL này, trước và trong cuộc họp để bầu chức danh chủ tịch tỉnh, Bí thư tỉnh ủy Quảng Trị (kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh) dọa cấp dưới và kiểm soát cuộc bầu cử vì sợ các đại biểu bầu không quá bán. Dựa trên bức ảnh của tác giả Nguyễn Phúc, nhóm KOL này đã tung tin rằng trong lúc bầu cử, ông Bí thư tỉnh ủy Quảng Trị “canh me ngay thùng phiếu” để kiểm tra phiếu bầu của từng đại biểu. Thông tin sai lệch này khi tung ra kèm với bức ảnh, rất ngẫu nhiên, đã gây ra hiệu ứng lan truyền cực nhanh, thu hút khá đông người chia sẻ, kèm theo những lời bình luận chửi bới, nói xấu Đảng và Nhà nước.
Mãi đến mấy ngày sau, khi một đoạn clip ghi hình trong cuộc bầu cử này được công khai, người ta mới thấy rằng, bức ảnh trên do góc máy, tạo ra cảm giác ông Bí thư đang xem phiếu bầu của một đại biểu. Thực tế, không phải vậy. Hầu hết các đại biểu đều gấp phiếu bầu và cũng không có ông Bí thư nào đứng ngay thùng phiếu cả.
Những câu chuyện “oan nghiệt” về ảnh báo chí như thế vẫn thường xảy ra trên truyền thông trong thời đại mạng xã hội này.
Hình ảnh trên báo chí truyền thông là thông điệp không có bộ mã, và vì thế, không phải ai cũng “đọc” ra thông tin giống nhau, hoặc ít nhất, giống ý đồ của nhà truyền thông. Lịch sử báo chí - truyền thông cho thấy, một bức ảnh báo chí có giá trị có hiệu quả tác động hơn cả ngàn bài viết. Trong chiến tranh chống Mỹ, nhiều bức ảnh báo chí của phóng viên chiến trường đã có tác động đến chính sách của Nhà Trắng, thúc giục hàng vạn thanh niên Mỹ phản đối “chiến tranh Việt Nam”, động viên hàng ngàn thanh niên miền Bắc viết đơn xin được lên đường ra tiền tuyến...
Hình ảnh tác động rất mạnh đến cảm xúc. Và từ trái tim, từ sự yêu ghét, thông tin từ hình ảnh có giá trị dẫn dắt thái độ, hành động. Nhưng, tự thân hình ảnh không làm được chuyện đó nếu không kết hợp các loại ngôn ngữ khác.
“Chú thích ảnh” (caption) dùng chữ viết để diễn đạt thông tin bổ trợ cho những điều bức ảnh không nói được hoặc khó nói được. Ảnh báo chí hay video, clip hầu hết phải có chú thích hay lời bình, bởi rất nhiều thứ trong cuộc sống này không có hình hài, không thể sờ mó được và tất nhiên, không thể chụp hình, quay phim được. Ví dụ như, chúng ta không thể chụp hình, quay phim “thị trường xăng dầu” hoặc chúng ta không thể chụp hình, quay phim “lòng yêu nước” được, vì đó là những hiện thực không có hình hài, rất trừu tượng. Chữ viết hay lời nói trong chú thích ảnh hoặc lời bình của video là ngôn ngữ con người, là phương tiện tư duy và có bộ mã quy ước nên nó có thể diễn đạt những gì có tính chất lý luận, trừu tượng, bổ trợ đắc lực cho hình ảnh.
Vì thế, ảnh trên truyền thông cần được chú thích thật kỹ. Bởi đây cũng chính là yếu tố mà những kẻ làm tin giả lợi dụng. Một bức ảnh nếu chú thích không đầy đủ, nhất là các yếu tố thông tin như thời điểm, không gian (mà bản thân “ngôn ngữ ảnh” khó tự thể hiện), đôi lúc đôi chỗ có thể gây hậu quả khó lường.
Phú Trang