Hơn một tuần qua, trào lưu tìm lại thanh xuân với hashtag #How Much Have You Changed Challenge (Thử thách bạn đã thay đổi thế nào) làm rộn ràng các trang Facebook. Cả mạng xã hội Facebook dường như trở thành cái album ảnh khổng lồ…
MC Quỳnh Hoa tham gia trò chơi đúng theo quy định 10 năm
Không chỉ là chuyện ngắm vuốt bản thân
Dân mạng rần rần đua nhau tìm ảnh cũ để đem so sánh với ảnh hiện tại nhằm xem thử mình đã thay đổi như thế nào. Trò chơi thử thách bạn đã thay đổi như thế nào rất đơn giản nhưng hấp dẫn. Bởi nó giúp người chơi và bạn bè trên mạng có cơ hội được trở về với ký ức của cả chục năm trước. Mình đã lột xác ra sao? Mình đã bị mất đi thời hồn nhiên thế nào? Mình đã trở thành người lớn chưa?… Có hàng trăm lý do để người chơi thích thú tham gia cuộc “thử thách” không hề có chút thách thức nào. Trái lại là khác.
Trò chơi ấy giúp người chơi có dịp ngắm vuốt bản thân qua những lời bình có cánh của bạn bè trên mạng. Và trò chơi ấy cũng cho họ cảm nhận sức mạnh của thời gian. Đúng là chỉ so sánh 2 tấm ảnh thì có thể thấy thời gian đã tạo ra nhiều thay đổi, nó vẽ nếp nhăn, xóa nét thơ ngây, thay kiểu tóc, đổi thần thái. Thời gian cứ trôi qua và làm thay đổi chúng ta, còn thay đổi theo chiều hướng nào thì lại do chính chúng ta, mà cụ thể là do chính những thói quen, những hành động của chúng ta.
Trò chơi “thử thách bạn đã thay đổi như thế nào” không dừng lại ở chuyện chọn tấm ảnh quá khứ và tấm ảnh hiện nay. Cư dân mạng đầy sức sáng tạo. Không phải ai cũng tuân thủ những quy định của luật chơi (nào là phải lấy ảnh đại diện đầu tiên trên Facebook, đặt cạnh ảnh đại diện hiện tại, nào là phải lấy ảnh đúng 10 năm trước để so sánh trong “chu kỳ đẹp” 2010 - 2020…). Đa phần những người chơi trò này đều lấy ảnh ngẫu hứng, chọn ảnh đẹp nhất thời thơ trẻ của mình. Có người lấy ảnh nhiều giai đoạn khác nhau chứ không chỉ 2 tấm ảnh.
Nhà báo Trương Xuân Thu dùng một ứng dụng làm mình già đi để tham gia trò chơi như một cách biến tấu
Nhưng thú vị nhất là có một số người dùng thủ thuật photoshop để chế ảnh troll tạo tiếng cười. Có nhiều bạn còn mượn chuyện tham gia trò chơi này để bàn chuyện xã hội, như so sánh hình ảnh rừng (màu xanh trên bản đồ) ở 2 giai đoạn, so sánh hiện trạng một công trình công cộng nào đó ở 2 giai đoạn để góp tiếng nói phê phán.
Có thể nói, sau sự kiện bầu cử tổng thống Mỹ thì trò chơi #How Much Have You Changed Challenge cũng góp phần khiến không khí trên mạng xã hội tuần qua rộn ràng hơn hẳn, nhất là trò chơi thu hút được nhiều người tham gia vì không quá khắt khe về luật chơi.
Thực tế, trào lưu này không phải mới. Cách đây 3 năm, Facebook cũng từng rộ lên “thử thách dậy thì thành công” (Puberty Challenge) thu hút đông đảo người dùng khắp nơi trên thế giới tham gia. Trào lưu lúc đó cũng để lại nhiều ấn tượng đặc biệt. Theo ghi nhận của chúng tôi, tính đến ngày 15/11, đã có khoảng 4,3 triệu người dùng tham gia trò chơi đăng ảnh so sánh trước đây và hiện tại. Cư dân mạng Việt Nam tham gia trò này khá đông, trong đó có khá nhiều người nổi tiếng, như ca sĩ, diễn viên, cầu thủ bóng đá, KOLs...
Nhà báo Đức Hiển dùng ảnh đen trắng chụp lúc bé của hai anh em ruột Đức Hiển - Viễn Sự để so sánh với ảnh chụp hiện nay cũng của hai anh em đều là nhà báo này
Câu chuyện “đu trend”
Mạng xã hội có một đặc điểm trong truyền thông đó là tâm lý đám đông tác động khá mạnh đến cách hành xử của các thành viên. Cư dân mạng thường yêu, ghét, tham gia, hưởng ứng, phản đối, đồng tình… theo số đông, theo xu hướng. Tính chất này được gần đây được gọi với cụm từ nửa Tây nửa ta là “đu trend”, có nơi còn nói trại đi, có mang chút sắc thái biểu cảm là “đú trend”.
"Trend" là từ tiếng Anh, nghĩa thông thường là xu hướng, xu thế. Trend được dùng như một thuật ngữ marketing và khái niệm "trend" cũng được định nghĩa nặng tính chuyên môn học thuật, đó là xu hướng mới xuất hiện trên thị trường, và người làm marketing cần nắm bắt được những xu hướng này để thay đổi tư duy, tầm nhìn nhằm đưa ra các quyết định đúng đắn và xây dựng chiến lược kinh doanh thành công. Trong quá trình hội nhập, thuật ngữ này trở thành từ phổ biến của giới trẻ để chỉ hướng chuyển biến của một vấn đề, một sự vật, sự việc. Ví dụ, thời trang mùa đông năm 2020 sẽ chuộng màu gì, chuộng kiểu gì. Và từ chỗ là thuật ngữ marketing, “trend” được dùng như một công cụ trong truyền thông để đo mối quan tâm của công chúng.
Như chúng ta biết, ngày nay, với mạng xã hội, công chúng truyền thông không chỉ là người thụ động với thông tin từ báo chí chính thống mà họ cũng chính là người tạo ra nội dung. Chính vì thế, những mối quan tâm chung của cả cộng đồng dễ trở thành xu hướng, xu thế trong nội dung thông tin và những sự kiện lớn cũng dễ trở thành mối quan tâm lớn. Xu hướng ấy có thể đến ngẫu nhiên, có thể do những bàn tay đạo diễn khéo léo trong hậu trường làng truyền thông.
Trò chơi “đi đâu đó - sao về rồi” cũng là một hình thức trend trên mạng năm rồi vẫn còn kéo dài tới hôm nay
Tâm lý đám đông trên mạng giờ đây được khoác lên một cái tên mới “đu trend”, đó là việc số đông bắt chước theo một trào lưu nào đó đang thịnh hành. Những thành viên mạng xã hội tự thấy mình phải luôn linh hoạt, sáng tạo, bắt kịp, cập nhật những xu hướng mới trong cộng đồng nếu không muốn bị tụt lại phía sau và bị bạn bè coi là người lạc hậu, cho nên, nắm bắt "hot trend" luôn là vấn đề mà cư dân trẻ trên mạng rất quan tâm. Trend hay trào lưu có thể là một trò chơi như đã nói ở phần trên. Trend hay trào lưu có thể là cách dùng một thành ngữ, một từ mới, cũng có thể là việc “chế” một hình ảnh đồ họa, một lời bài hát, một câu nói, một clip video…
Có những “trend” rất hay như chuyện rủ nhau làm từ thiện hành động vì miền Trung, nhưng cũng có những loại “trend” tào lao, vô bổ và thậm chí, phản cảm. Và vì có trào lưu tào lao, cho nên từ “đú trend” ra đời với nét nghĩa mỉa mai, chê bai chuyện bắt chước đua đòi thiếu suy nghĩ.
***
Trở lại câu chuyện “trend” của tuần rồi. Trò chơi “thử thách bạn đã thay đổi thế nào” (#How Much Have You Changed Challenge) cũng là một “trend” đem đến niềm vui. Nó không phải là một chương trình hành động, không thiên về chuyện tranh luận, nhưng cũng không hoàn toàn vô hại nếu thiếu thận trọng. Đó là khi chúng ta dùng những hình ảnh cá nhân riêng tư, nhất là hình ảnh của người thân trong đó có con cháu mình. Hình ảnh trẻ con khi tung lên mạng đều chứa trong đó nhiều thứ thông tin mà kẻ xấu có thể lạm dụng. Hãy thận trọng vì thực tiễn đời sống còn có nhiều hiểm họa khó lường.
Phú Trang