(HTV) - Theo thống kê mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, số ca mắc bệnh tay chân miệng trong tuần 28 tại thành phố đã tăng gấp 2,1 lần so với trung bình 4 tuần trước.
Nhằm chủ động nguồn lực sẵn sàng cho hệ thống điều trị đáp ứng tình huống số ca mắc tăng cao, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác thu dung, điều trị bệnh Tay chân miệng trên địa bàn thành phố theo ba kịch bản ứng phó với các trường hợp nặng (từ độ 2a trở lên, ước tính chiếm khoảng 10% ca bệnh nội trú) như sau:
- Tình huống thứ nhất dự kiến khi có dưới 50 ca nhập viện mới/ngày, dưới 200 ca đang điều trị nội trú và dưới 20 ca nặng tại các bệnh viện. Theo đó, tổng quy mô giường bệnh điều trị Tay chân miệng trong tình huống này là hơn 200 giường, với 30 giường phục vụ hồi sức tích cực, các bệnh nhi Tay chân miệng được ưu tiên tập trung điều trị tại 3 bệnh viện chuyên khoa nhi của thành phố.
- Khi số ca nhập viện mới mỗi ngày tăng từ 50 - 100 ca, hệ thống y tế phục vụ 200-700 ca đang điều trị nội trú và 20-70 ca chuyển nặng tại các bệnh viện, TP.HCM sẽ chuyển sang tình huống thứ hai. Lúc này, tổng số giường điều trị Tay chân miệng sẽ cần 700 giường, trong đó có 80 giường hồi sức tích cực. Các bệnh nhi Tay chân miệng được điều trị tại 3 bệnh viện chuyên khoa nhi và bệnh viện Bệnh nhiệt đới.
- Tình huống thứ ba dự kiến được triển khai khi Thành phố có từ 100-200 ca Tay chân miệng nhập viện mới mỗi ngày và các cơ sở y tế có 700-1.400 ca điều trị nội trú với khoảng 70-140 ca nặng tại các bệnh viện. Tổng số giường điều trị cần chuẩn bị ở tình huống này là 1.400 giường với khoảng 150 giường hồi sức tích cực. Các bệnh nhi nặng điều trị tại 3 bệnh viện chuyên khoa nhi và bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, đồng thời hệ thống điều trị thực hiện quy trình phân loại bệnh nhi điều trị ngoại trú và nội trú, phân tuyến điều trí nhằm tránh quá tải cục bộ tại bệnh viện tuyến cuối và hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.
Cao điểm của bệnh thường từ tháng 3 -5 và từ tháng 8 - 9 hàng năm
Hiện nay, TP.HCM cũng đã bước vào tình huống thứ 2 trong kịch bản ứng phó dịch tay chân miệng mà Ngành y tế TP.HCM đề ra trước đây (tức từ 50 - 100 ca nhập viện/ngày). Trước tình huống này, ngành Y tế thành phố đang chủ động nhiều giải pháp để ứng phó với diễn biến của dịch bệnh, đặc biệt là nguy cơ thiếu thuốc điều trị.
Kịch bản ứng phó dịch Tay chân miệng tại TP.HCM trước nguy cơ thiếu thuốc như thế nào?
Trong bối cảnh, số bệnh Tay chân miệng tại Khoa luôn ở mức hơn 120 ca và lượng bệnh nhi nhập viện tăng từ 25 - 30% so với tuần trước. Bên cạnh việc chủ động tăng cường số giường để tiếp nhận bệnh, Khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 2 hiện cũng rất chủ động trong việc tìm thêm nguồn vật tư để điều trị cho các bệnh nhi.
Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2
Theo dự kiến, phải đến cuối tháng 8 mới có đợt thuốc IVIG nhập khẩu tiếp theo, do đó, Sở Y tế TP.HCM lo ngại thuốc dự trữ sẽ không đáp ứng đủ cho công tác điều trị Tay chân miệng, khi dịch bệnh diễn tiến nhanh. Đơn vị đã kiến nghị Bộ Y tế sớm có chỉ đạo và giải pháp đảm bảo cung ứng thuốc điều trị bệnh này cho các tỉnh phía Nam. Đồng thời, Sở cũng kiến nghị Bộ phân công cho các bệnh viện tuyến cuối ở một số tỉnh, thành có năng lực tiếp nhận điều trị bệnh tay chân miệng, nhằm đảm bảo các ca bệnh nặng được điều trị sớm, công tác chuyển bệnh được an toàn, hiệu quả.
>>> Xin mời quý vị đón xem Chương trình 60 giây, Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9