TP. Thủ Đức chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng cho trẻ

PHƯƠNG THANH - TẤN HOÀNG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 17/7/2023, 09:16

(HTV) - Bệnh tay chân miệng hiện nay đang diễn biến phức tạp, tỷ lệ tử vong có xu hướng tăng so với những năm trước. TP. Thủ Đức, TP.HCM đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh tay chân miệng trên địa bàn.

TP. Thủ Đức chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng 
Ghi nhận tại Bệnh viện TP. Thủ Đức, trong những ngày qua, số ca bệnh nhập viện do tay chân miệng tăng cao. Mỗi ngày, phòng khám ngoại trú luôn tiếp nhận trung bình khoảng 20 ca và được tái khám thường xuyên. Trong đó, 10% các ca chuyển sang điều trị nội trú.

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Thủy Hà - Trưởng đơn vị nhiễm, Bệnh viện TP. Thủ Đức, TP.HCM chia sẻ: "Thời điểm này năm ngoái, tỷ lệ tử vong chỉ có 1 bé. Nhưng năm nay, tính đến tháng 5 đã có 3 bé tử vong. Một số dấu hiệu nhận biết bệnh chuyển nặng để đưa bé đi khám liền như: Sốt cao trên 39 độ hoặc sốt quá 48 tiếng, rung tay rung chi giật mình chới với, nôn ói nhiều, bỏ ăn uống, đi đứng loạng choạng, tím tái, khó thở thì người nhà phải đưa đi khám ngay lập tức".

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Thủy Hà - Trưởng đơn vị nhiễm, Bệnh viện TP. Thủ Đức, TP.HCM
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng cao nhất là trẻ em dưới 5 tuổi. Vì vậy, việc phát hiện và khống chế không để dịch bệnh tay chân miệng lây lan trong trường mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ gia đình là nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Nhà trường phải luôn đảm bảo đủ vòi nước cho giáo viên, học sinh tại các cơ sở giáo dục thực hiện rửa tay hàng ngày bằng nước sạch và xà phòng; Đảm bảo ăn chín, uống chín, không cho trẻ uống chung ly, dùng chung vật dụng sinh hoạt, lau sạch, khử khuẩn các bề mặt, vật dụng, đồ chơi của trẻ bằng nước javel hoặc cloramin B, hàng ngày 1 lần và khử khuẩn hàng tuần. Lớp học phải sạch sẽ và thoáng mát.
Khi trẻ mắc bệnh, không đến lớp ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh và chỉ đến lớp khi hết loét miệng và các phỏng nước.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Yến - Hiệu trưởng Trường mầm non Tam Phú, TP. Thủ Đức, TP.HCM chia sẻ: "Chúng tôi được sự phối hợp của địa phương cũng như Trạm Y tế phường Tam Phú hướng dẫn kỹ cách pha dung dịch cloramin B vệ sinh hàng ngày như thế nào, và khi có bé xảy ra bệnh thì phải thực hiện như thế nào. Do có sự phối hợp từ trên xuống rất đồng bộ nên đến thời điểm này, trường cũng chưa ghi nhận ca bệnh".

Bà Nguyễn Thị Mỹ Yến - Hiệu trưởng Trường mầm non Tam Phú, TP. Thủ Đức, TP.HCM 

Bà Hồ Thị Thanh Dung - Phó Chủ tịch UBND phường Tam Phú, TP. Thủ Đức, TP.HCM cho biết: "Các trẻ khi đến lớp, giáo viên cũng giám sát trước các triệu chứng hay biểu hiện sốt, có nốt trên người không. Nếu có thì báo cho phụ huynh rước con về nhà và theo dõi sức khỏe. Khi có biểu hiện khác thường thì đến trạm y tế gần nhất để có sự chăm sóc sức khỏe cho trẻ được tốt hơn. Trên địa bàn phường, qua công tác tuyên truyền vận động và thực hiện đúng quy trình, quy định phòng bệnh thì công tác phòng chống dịch vẫn đảm bảo".

Bà Hồ Thị Thanh Dung - Phó Chủ tịch UBND phường Tam Phú, TP. Thủ Đức, TP.HCM 

Hiện TP. Thủ Đức đã tăng cường công tác giám sát, phát hiện kịp thời các trường hợp mới mắc, xử lý ổ dịch đúng quy trình Bộ Y tế, không để lây lan thành ổ dịch lớn, cùng với đó là đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng tại hộ gia đình.

 >>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: