Ngành tái chế Việt Nam đứng trước thách thức và cơ hội đan xen

LY LY - TRẦN TÚ - NGỌC THẠCH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 5/9/2024, 11:30

(HTV) - Ngành tái chế Việt Nam đứng trước những thách thức cùng những cơ hội khi việc tái chế, tái sử dụng các phế phẩm không chỉ giúp giảm thiểu lượng rác thải, mà còn tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và tạo ra giá trị kinh tế bền vững.

Tại Việt Nam, hàng năm ước tính có khoảng 3 triệu tấn rác thải nhựa được xả thải, trong đó chỉ một phần tư trong số này (25%) được tái chế, (75%) còn lại được chôn lấp hoặc xả ra môi trường. Nghịch lý là, mỗi năm nước ta phải nhập hơn 6 triệu tấn hạt nhựa nguyên sinh và cả rác thải nhựa để tái chế. Đây là một trong những rào cản lớn đối với lĩnh vực công nghiệp tái chế nội địa, và là thách thức chung cho nền kinh tế khi đang trên đà phát triển, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH JP Corelex (Việt Nam) cho biết nguyên liệu trong nước việc phân loại phế liệu còn chưa làm tốt, đa số từ các hộ kinh doanh tự phát nên việc cung cấp hóa đơn thuế giá trị gia tăng cũng chưa được triển khai. Việc sản xuất và xử lý môi trường của những doanh nghiệp này cũng không đảm bảo yêu cầu.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH JP Corelex (Việt Nam)

Không chỉ vậy, doanh nghiệp còn phải đối mặt với thách thức không có nguồn lực để phân loại, công nghệ tái chế đắt tiền, đầu ra của sản phẩm tái chế chưa được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Mặt khác, một số chính sách vẫn chưa đáp ứng và thúc đẩy hỗ trợ cho các doanh nghiệp nội địa trong ngành công nghiệp tái chế khiến lĩnh vực này chưa thực sự vươn lên mạnh mẽ. 

Ông Phan Đăng Bảo - Trưởng phòng Hợp tác và Phát triển Bền vững của Công ty Tái chế Nhựa Lam Trân bày tỏ mong muốn truyền thông và chính phủ có thể phổ biến hình thức tái chế đến người dân để các doanh nghiệp có thể mở rộng sản xuất kinh doanh, cấp mới vòng tuần hoàn cho nhựa và để các sản phẩm tái chế xuất hiện và tiếp cận nhiều hơn tại thị trường Việt Nam.

Ông Phan Đăng Bảo - Trưởng phòng Hợp tác và Phát triển Bền vững của Công ty Tái chế Nhựa Lam Trân

Ông Đặng Hồng Kỳ - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại NID kỳ vọng cơ chế chính sách được nới lỏng đồng thời có thêm các cơ chế đặc thù như hỗ trợ về thuế để tiếp sức và động viên ngành tài chế phát triển ổn định.

Ông Đặng Hồng Kỳ - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại NID

Để giải được bài toán cho ngành tái chế trong nước, doanh nghiệp không thể đi một mình mà cần sự hỗ trợ, tiếp sức của các ban ngành, xúc tiến thương mại, các tổ chức nước ngoài chia sẻ về kiến thức.

Ông Trần Việt Anh - Chủ tịch Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam cho biết Hiệp hội sẽ kết nối để các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành tái chế có thể tiếp cận với quỹ về môi trường tín dụng xanh, hỗ trợ vốn để thay đổi cải tiến công nghệ, máy móc phục vụ sản xuất. Đồng thời thành lập viện tái chế, tập trung nguồn lực có nhiều kiến thức và kinh nghiệm để đào tạo và hỗ trợ các doanh nghiệp tái chế, chuyển đổi xanh.

Ông Trần Việt Anh - Chủ tịch Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam 

 Dù đứng trước những thách thức không hề nhỏ, nhưng không phủ nhận, tiềm năng nội tại và dư địa để phát triển ngành tái chế tại Việt Nam là rất lớn. Đòi hỏi các doanh nghiệp phải kịp thời nắm bắt cơ hội, liên tục cập nhật và nâng cấp hệ thống để tiếp tục hình thành chuỗi giá trị và tạo lập thị trường, đáp ứng nhu cầu phát triển, hội nhập kinh tế cũng như góp phần xử lý vấn đề rác thải, bảo vệ môi trường hiện nay.

 

Ý kiến của bạn: