(HTV) - Kỹ thuật phức tạp và nguồn vốn hạn hẹp là rào cản lớn đối với việc tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp.
Ngành công nghiệp hiện đang chiếm tới hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng của nước ta, là một trong những lĩnh vực tiêu tốn năng lượng nhiều nhất. "Tiết kiệm năng lượng - Hiệu quả đầu tư" là yêu cầu tất yếu, tuy nhiên, vấn đề về kỹ thuật và khó khăn về tài chính là những trở ngại lớn đối với doanh nghiệp, đòi hỏi cần có giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong việc thực hiện các khoản đầu tư.
Nhà máy sản xuất của Công ty Cổ phần Sài Gòn Food
02 triệu đô la là số tiền mà Công ty Cổ phần Sài Gòn Food phải chi trả cho tiền điện mỗi năm. Yêu cầu về tiết kiệm năng lượng là rất lớn. Hiện nay, doanh nghiệp đang triển khai khoảng 10 dự án về tiết kiệm năng lượng bao gồm việc chuyển đổi từ sử dụng dầu diesel cho hệ thống nhiệt sang khí thiên nhiên nén (CNG). Tuy nhiên, việc đầu tư vào các dự án này vẫn còn gặp nhiều hạn chế.
Nguyễn Phước Tiến - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn Food
Ông Nguyễn Phước Tiến - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn Food đã thẳng thắn chia sẻ về những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải trong việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới. Theo ông Tiến, thiếu hụt nguồn lực về kỹ thuật - công nghệ và vốn là hai trở ngại lớn nhất. Đặc biệt, rủi ro trong đầu tư vào các dự án công nghệ mới luôn là một mối lo ngại lớn đối với các doanh nghiệp. Vì vậy, ông Tiến cho rằng, việc thành lập quỹ rủi ro là một giải pháp cần thiết để khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào công nghệ và đổi mới.
Tọa đàm "Tiết kiệm năng lượng - Hiệu quả đầu tư" mở ra cơ hội kết nối chặt chẽ giữa các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp công nghiệp
Những hạn chế này đã được nhận diện tại tọa đàm “Tiết kiệm năng lượng - Hiệu quả đầu tư” do Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức tại TP.HCM ngày 10/01. Giải pháp được đề ra đó là dự án “Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam” (VSUEE) từ nhà tài trợ Quỹ Khí hậu Xanh và Ngân hàng Thế giới.
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Giám đốc Dự án VSUEE
“Nếu chúng ta giảm được năng lượng trên đầu sản phẩm có nghĩa là sẽ giảm được khí thải nhà kính. Chính vì thế, khi chúng ta giảm thiểu sử dụng năng lượng trong cơ sở sản xuất, cơ sở đó sẽ giảm thiểu được khí thải nhà kính phát ra môi trường. Với sự tham gia đồng loạt của các doanh nghiệp, lượng khí thải giảm đi chính là đóng góp cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, trung hòa carbon vào năm 2050”, bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Giám đốc dự án nhấn mạnh.
Dự án "Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành Công nghiệp Việt Nam" (VSUEE)
Dự án gồm 02 hợp phần chính: Vận hành Quỹ chia sẻ rủi ro và hỗ trợ kỹ thuật. Tổng kinh phí dự án là 11,3 triệu đô la không hoàn lại, dùng để hỗ trợ kỹ thuật và quản lý bảo lãnh. Ngoài ra, dự án còn phát hành 75 triệu đô la bảo lãnh cho các khoản vay đầu tư tiết kiệm năng lượng từ Quỹ khí hậu xanh.
Hoạt động bảo lãnh của Quỹ chia sẻ rủi ro
Ngoài những hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, điểm nổi bật của dự án là việc thí điểm thực hiện cơ chế bảo lãnh tín dụng cho các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng; tháo gỡ rào cản về tiếp cận vốn vay thương mại; tạo động lực huy động các nguồn tài chính; thúc đẩy triển khai các dự án và phát triển thị trường đầu tư tiết kiệm năng lượng.
Ông Mã Khai Hiền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Tiết kiệm Năng lượng (ENERTEAM) cho biết: "Thông thường, doanh nghiệp muốn đầu tư vào tiết kiệm năng lượng phải trải qua nhiều thủ tục rườm rà như tự lập hồ sơ vay vốn, tự lo bảo lãnh, chứng minh tài sản. Tuy nhiên, khi tham gia Dự án tiết kiệm năng lượng, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ toàn diện. Cụ thể, họ sẽ được tư vấn kỹ thuật chuyên sâu, giúp xây dựng kế hoạch đầu tư hiệu quả và chứng minh rõ ràng lợi ích kinh tế. Nhờ đó, các doanh nghiệp sẽ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn và triển khai dự án một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn".
Bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Quốc tế, Ban Quản lý Quỹ Chia sẻ Rủi ro của Ngân hàng SHB cho biết, với dự án này, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ tối đa trong quá trình tiếp cận vốn vay để đầu tư tiết kiệm năng lượng. Cụ thể, Quỹ sẽ đồng hành cùng các ngân hàng thương mại trong việc thẩm định hồ sơ, giảm tỷ lệ yêu cầu tài sản đảm bảo và cung cấp bảo lãnh lên đến 50%. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn được hỗ trợ kỹ thuật từ Bộ Công Thương để nâng cao năng lực và tiếp cận các thị trường xuất khẩu.
Dự án VSUEE là dự án mới và là lần đầu tiên cách thức phát hành bảo lãnh được thực hiện tại Việt Nam. Để tham gia dự án, các doanh nghiệp có thể liên hệ trực tiếp Ban quản lý Dự án VSUEE hoặc Quỹ chia sẻ rủi ro của Ngân hàng SHB - đơn vị được chọn để vận hành Quỹ chia sẻ rủi ro, hoặc liên hệ trực tiếp các ngân hàng thương mại tham gia dự án.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9