Nắm bắt cơ hội: Đào tạo nhân lực phát triển thị trường tín chỉ Carbon

VŨ TUYÊN - XUÂN HẠO - TRÚC QUỲNH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 17/8/2024, 11:29

(HTV) - Tín chỉ Carbon đang được quan tâm trên toàn cầu, giúp các quốc gia phát triển bền vững, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Nằm trong dòng chảy đó, Việt Nam cũng đang chú trọng đến vấn đề này. Tuy nhiên, liên quan tới tín chỉ Carbon có nhiều nội dung, trong đó vấn đề nguồn nhân lực được xem là căn bản, bởi đây là yếu tố khởi nguồn để xây dựng các khía cạnh liên quan đến tín chỉ Carbon. Đây là nội dung của buổi tọa đàm được Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, Báo Nông nghiệp Việt Nam và Công Ty TNHH Hệ sinh thái VOS Holdings phối hợp tổ chức diễn ra vào sáng 16/8 tại TP.HCM.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

"Muốn phát triển xanh, con người phải là trọng tâm". Định hướng theo quan điểm này, các doanh nghiệp bảy tỏ mong muốn việc đào tạo nhân lực sẽ giúp việc tham gia vào thị trường Carbon được thuận lợi hơn. Theo chị Nguyễn Thị Vân Anh - Giám đốc Công ty TNHH Công Nghệ Sinh Học Probiotics, đào tạo cho mình nguồn nhân lực là cần thiết, vì sản phẩm của doanh nghiệp góp phần trực tiếp vào việc cải tạo đất, nước để giảm phát thải nhà kính. Đối với tình hình hiện tại, khi có một người am hiểu tín chỉ Carbon thì trao đổi hiệu quả hơn với đối tác của mình.

Đào tạo số hóa: Giải pháp cấp bách cho thị trường carbon Việt Nam

Chị Bùi Thị Lan Hương, Phụ trách Đào tạo Công ty IP Group cũng cho rằng, việc lồng ghép, cài cắm kiến thức về tín chỉ Carbon ESG cho kỹ thuật viên để người ta hiểu và tư vấn cho khách hàng, từ giải pháp công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ.

Tiềm năng cho lĩnh vực này là rất lớn, cụ thể năm 2023 là một bước tiến quan trọng khi Việt Nam lần đầu tiên bán thành công 10,3 triệu tín chỉ Carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng), tuy nhiên, nguồn nhân lực phục vụ lĩnh vực này còn rất non trẻ, vì vậy cần phải có sự chuẩn bị kỹ nếu muốn phát triển bền vững.

Theo Giáo sư - Tiến sĩ Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh: "Do chưa vận hành chính thức, nên mọi sự chuẩn bị dựa trên yếu tố mang tính chất học tập. Và khi đi vào thực tế thì thấy có nhiều yếu tố phát sinh. Phải đào tạo để chuẩn bị. Vấn đề tín chỉ Carbon là toàn cầu, nên những gì đang diễn ra, vận hành thì đó là chuẩn mực cần hướng tới để tổ chức đào tạo và học kinh nghiệm".

Theo các chuyên gia, trước mắt cần đào tạo khoảng 150.000 lao động chuyên nghiệp. Lực lượng này được trang bị kiến thức để hiểu biết chuyên sâu về các cơ chế thẩm định, lập hồ sơ liên quan, kê khai và đánh giá các loại tín chỉ Carbon. Trong đó, đào tạo thẩm định viên Carbon có chuyên môn và chứng nhận quốc tế là một mắt xích quan trọng, giúp Việt Nam vận hành thị trường tín chỉ Carbon.

Trước mắt cần đào tạo khoảng 150.000 lao động chuyên nghiệp

Chia sẻ tại tọa đàm, các chuyên gia nhấn mạnh "Thị trường tín chỉ Carbon mang tính quốc tế". Vì vậy, cần hình thành sàn Carbon cho thị trường quốc tế, mục tiêu trong thời gian tới, sàn Carbon của Việt Nam sẽ cùng hoạt động với các sàn quốc tế khác. Dự kiến năm 2025, Việt Nam sẽ thí điểm hình thành một sàn giao dịch tín chỉ Carbon. Do đó, vấn đề cấp thiết hiện nay là đào tạo một lực lượng môi giới chuyên nghiệp để tham gia mua bán Carbon.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: