(HTV) - Cuối năm, nhu cầu vốn tăng cao đẩy lãi suất huy động lên. Tuy nhiên, lãi suất cho vay khó giảm sâu hơn.
Cuối năm luôn là thời điểm nhu cầu vốn tăng cao, đặc biệt với các doanh nghiệp và cá nhân cần vốn để mở rộng sản xuất, chuẩn bị hàng hóa Tết và đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng dịp lễ. Theo nhận định của các chuyên gia, những ngân hàng nhỏ sẽ có chiều hướng tăng lãi suất nhiều hơn so với ngân hàng lớn, tạo ra sự phân hóa cho hệ thống ngân hàng trong giai đoạn cuối năm.
Những ngân hàng nhỏ sẽ có chiều hướng tăng lãi suất nhiều hơn so với ngân hàng lớn, tạo ra sự phân hóa cho hệ thống ngân hàng trong giai đoạn cuối năm
Những ngày qua, nhiều ngân hàng tiếp tục tăng nhẹ lãi suất huy động, phần lớn tăng ở các kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất này không phải là xu hướng chung của ngân hàng mà việc tăng hay giảm tùy thuộc vào thanh khoản của từng ngân hàng.
TS. Châu Đình Linh - Giảng viên Đại học Ngân hàng TP.HCM nhận định: "Việc một số ngân hàng tăng lãi suất huy động trong thời gian qua chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu thanh khoản cục bộ chứ không phải là xu hướng chung của toàn hệ thống. Những ngân hàng có quy mô vốn nhỏ thường có nhu cầu điều chỉnh lãi suất linh hoạt hơn để thu hút tiền gửi. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất không đồng nghĩa với việc tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ như mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước".
Nhiều người lo lắng đà tăng lãi suất huy động đang tạo áp lực lên lãi suất cho vay khiến việc hạ lãi suất tín dụng trở nên thách thức hơn. Thế nhưng từ góc nhìn của ngân hàng, việc này sẽ không đáng quan ngại.
Ông Trần Hoài Nam - Phó Tổng Giám đốc HDBank
Ông Trần Hoài Nam - Phó Tổng Giám đốc HDBank cho biết khả năng lãi suất tiếp tục giảm trong thời gian tới là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, ông cũng khuyến cáo các nhà đầu tư cần có sự phân tích kỹ lưỡng trước khi quyết định đầu tư. HDBank cam kết đồng hành cùng khách hàng để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn.
Các ngân hàng thương mại cũng được khuyến khích tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế hiện nay
Nhìn lại biến động lãi suất cho thấy trong năm 2023 mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 2,5% và trong 10 tháng năm 2024, lãi suất cho vay bình quân giảm tiếp 0,76%/năm so với cuối năm 2023. Với xu hướng giảm sâu thời gian qua cộng với nhu cầu vốn tín dụng tiếp tục tăng nên theo các chuyên gia dự báo khó có thể giảm thêm trong thời gian tới.
Tiến sĩ Châu Đình Linh - Giảng viên Đại học Ngân hàng TP.HCM nhận định rằng Ngân hàng Nhà nước hiện nay hoàn toàn có thể duy trì mức lãi suất ở thời điểm hiện tại. Theo ông Linh, các yếu tố như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất và sự ổn định của tỷ giá VND/USD sẽ là những trụ cột vững chắc hỗ trợ cho quyết định này.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết ngân hàng trung ương đang tiếp tục thực hiện các biện pháp để ổn định thị trường tiền tệ bao gồm việc điều hành chính sách lãi suất hợp lý, giảm lãi suất cho vay và đẩy mạnh giải ngân tín dụng.
Lãi suất ngân hàng: Giữa kỳ vọng giảm và áp lực tăng
Các ngân hàng thương mại cũng được khuyến khích tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Trong 2 tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025, nguồn tín dụng lãi suất ưu đãi được dự báo ở mức khoảng 4-6,5%/năm đối với ngắn hạn và 7-9%/năm đối với trung, dài hạn.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9