Kỳ họp thứ 10, HĐND TP.HCM khóa X: Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023

PHƯƠNG THANH - TẤN HOÀNG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 12/7/2023, 06:00

Chiều 11/7, Kỳ họp thứ 10, HĐND TP.HCM khóa X bước vào phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) 6 tháng đầu năm, và nhiệm vụ giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2023.

Đồng chí Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM và lãnh đạo các sở ngành đã có các ý kiến giải trình về vấn đề các đại biểu quan tâm.

Mở đầu phiên làm việc, các đại biểu nghe tổng hợp ý kiến phát biểu tại 4 tổ thảo luận vào chiều ngày 10/7, ghi nhận 91 ý kiến của 31 đại biểu và 7 sở ngành, tập trung vào các nội dung.

- Đánh giá tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội 6 tháng đầu năm và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023;
- Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội Thành phố;
- 51 nội dung thuộc 4 chương trình đột phá trọng điểm phát triển Thành phố từ nay đến hết nhiệm kỳ 2020 - 2025;
- Các tờ trình của HĐND và UBND Thành phố và những vấn đề đại biểu quan tâm.

Tập trung vào vấn đề phát triển giao thông và kinh tế giao thông, đồng chí Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đã nêu các ý kiến đề xuất với HĐND Thành phố.

Đồng chí Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM


"Vốn chúng ta đầu tư phát triển các công trình hạ tầng giao thông rất lớn. Nếu tổng hợp đầy đủ, nhu cầu vốn đến năm 2030 cần 960 ngàn tỷ đồng. Chúng ta phải kết hợp giữa đầu tư công và phát huy các nguồn vốn xã hội qua các hình thức PPP mà Nghị quyết 98 của Quốc hội vừa qua đã cho chúng ta cơ chế. Cố gắng khai thác tốt Nghị quyết này để chúng ta phát huy nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông. Thứ 2 là vấn đề kinh tế giao thông, phải thể hiện ở phát triển hạ tầng giao thông đi liền với hình thành các hạ tầng đô thị công nghiệp, dịch vụ, logistics, và cả du lịch, thì mô hình TOD là biểu hiện tập trung rất tiêu biểu của kết hợp kinh tế giao thông. Và muốn làm được việc này thì điều kiện tiên quyết là chúng ta phải đưa vào quy hoạch và chúng ta có chính sách để phát huy. Hiện tại Nghị quyết 98 ra đời trong giai đoạn chúng ta đang rà soát điều chỉnh quy hoạch thì đây là dịp rất đúng để chúng ta thực hiện."

Đồng chí Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ tại hội trường

Theo kế hoạch, Thành ủy TP.HCM sẽ sơ kết giữa nhiệm kỳ vào ngày 15/7 tới. UBND Thành phố cũng đã có báo cáo giữa kỳ. Trong đó có 4 nhận định lớn về KT-XH và đề xuất 15 nội dung về KT-XH cần phải tập trung thực hiện để đạt được các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố đã đề ra.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết có đề xuất với Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố trước mắt không đặt vấn đề điều chỉnh chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội mà quyết tâm để đạt kết quả cao nhất. Tuy nhiên, Chủ tịch TP.HCM cho rằng phải có giải pháp đột phá, gắn với cụ thể hóa Nghị quyết 98 của Quốc hội và đồng thời kết hợp thực hiện Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về Đông Nam Bộ và về TP.HCM.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng cho rằng, dù có nhiều cải thiện nhưng doanh nghiệp vẫn đang rất khó khăn. Trong quý III, Thành phố tiếp tục tập trung giải quyết vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp. UBND Thành phố sẽ hoàn thành và trình đề án hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, đề án chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, doanh nghiệp xuất khẩu. 

Ngoài ra trong thời gian tới, Thành phố tiếp tục đảm bảo thu ngân sách cả năm theo kế hoạch nhưng không lạm thu, gắn với hoàn thuế và chính sách nuôi dưỡng nguồn thu. Thành phố cũng tiếp tục đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, trong quý III tiến hành 3 đợt khuyến mãi trong 3 tháng để góp phần giải quyết hàng hóa cho doanh nghiệp và kích cầu. Thành phố tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thu hút đầu tư trong nước và ngoài nước. Đặc biệt, Thành phố sẽ tập trung nâng cao chất lượng nền công vụ, khởi động xây dựng đề án xây dựng nền công vụ TP.HCM ưu tú để vừa phục vụ thực hiện Nghị quyết 98 vừa lâu dài; tập trung chăm lo an sinh...

Về những khó khăn, thách thức và giải pháp để tăng cường kiểm soát sự tuân thủ pháp luật của các cơ sở cung ứng dịch vụ thẩm mỹ, đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết toàn Thành phố có tổng cộng hơn 7.000 cơ sở cung ứng các dịch vụ liên quan đến thẩm mỹ, nhưng chưa đến 15% do cơ quan chuyên môn là Bộ Y tế và Sở Y tế cấp phép, còn lại hơn 85% do UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Và theo luật định cho đến nay, các cơ sở này vẫn có thể hành nghề mà không cần cơ quan chuyên môn thẩm định cấp phép.

Ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM


"Những hành vi do những người không có chứng chỉ hành nghề lén lút thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở không phải y tế, thậm chí nhà trọ, khách sạn dẫn đến tai biến và tử vong. Vì vậy, với những cơ sở do Sở Y tế cấp phép, chúng tôi đã chủ động xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng các cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn và công khai cho người dân biết. Trong 6 tháng đầu năm 2023 đã phát hiện và xử lý 19 cơ sở triển khai phẫu thuật thẩm mỹ mà không có giấy phép hoạt động."

Ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM chia sẻ tại hội trường

Liên quan đến công tác tập trung trẻ em, người ăn xin không có nơi cư trú ổn định và lang thang trong cộng đồng, trong 6 tháng đầu năm, toàn Thành phố đã tiếp nhận để đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội là 496 trường hợp.  

Ông Lê Văn Thinh - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM

"Về nội dung có tình trạng chăn dắt trẻ em trên địa bàn Thành phố, chúng ta cần có thái độ cương quyết đối với những hành vi lợi dụng lao động trẻ em, người khó khăn để trục lợi cần kiên quyết xử lý. Do đó, kiến nghị lãnh đạo Công an TP.HCM và Công an địa phương chỉ đạo tập trung và thực hiện nghiêm túc."

Ông Lê Văn Thinh - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM phát biểu

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cũng thông tin một số tín hiệu khả quan liên quan đến chuyển đổi công nghệ xử lý của các nhà máy xử lý chất thải trên địa bàn Thành phố.

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM


"Theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố đặt ra, đến năm 2025, Thành phố phải chuyển đổi sang công nghệ đốt rác phát điện và giảm tỷ lệ chôn lấp. Trong quá trình tổ chức tham mưu thực hiện chuyển đổi công nghệ, chúng ta đang vướng quy hoạch điện của Chính phủ. Vừa rồi ngày 15/5, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt quy hoạch điện rác, tạo điều kiện pháp lý để xây dựng các nhà máy. Và trong Nghị quyết 98, chúng ta có xin được nội dung đối với các nhà máy đang xử lý rác của Thành phố đổi mới công nghệ thì xây dựng được tiêu chí đặt hàng. Như vậy, vừa có cơ sở pháp lý về đặt hàng vừa có quy hoạch điện là điều kiện chúng ta tham mưu về đổi mới công nghệ xử lý trên toàn địa bàn Thành phố."

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu HĐND TP.HCM cũng nêu thêm một số ý kiến đề xuất các giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội 6 tháng cuối năm 2023.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

Ý kiến của bạn: