Infographic: Sốt xuất huyết và những điều bạn cần biết

THỤC PHƯƠNG - LAN HƯƠNG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 28/12/2023, 12:16

(HTV) - Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm lưu hành hằng năm và không có vắc xin cũng như thuốc đặc trị. Theo bà Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế, trên toàn cầu, số ca sốt xuất huyết tăng hơn 10 lần sau 10 năm qua.

Sơ nét về tình hình dịch bệnh trên toàn cầu thời gian 

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 149.557 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 36 người tử vong. Ngoài 2 tuýp virus Dengue lưu hành chủ yếu là D1 và D2, kết quả giám sát mới đây ghi nhận thêm tuýp D3 gây bệnh sốt xuất huyết. Dự đoán trong thời gian tới, tình hình dịch vẫn có diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của nhiều yếu tố như thời tiết, biến đổi khí hậu.

Các dịch bệnh truyền nhiễm khác luôn khó lường, có xu hướng tăng dần tần suất và xuất hiện nguy cơ lây nhiễm các biến thể mới, các dịch bệnh mới. Các bệnh lưu hành như tay chân miệng, sởi tại Việt Nam thời gian qua gia tăng đáng kể.

Bà Nguyễn Thị Liên Hương kêu gọi toàn dân, xã hội tham gia phòng chống dịch bệnh tại ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh 27/12

vừa qua

Năm 2023, thế giới tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc, tử vong do bệnh lây truyền từ động vật sang người, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi tại nhiều quốc gia. Việt Nam nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều cùng với nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao nên nguy cơ đối mặt với sự lây lan của nhiều loại dịch bệnh khác nhau rất lớn.

Căn cứ tình hình dịch bệnh, thực tiễn phòng, chống dịch, đặc biệt là dịch Covid-19, Bộ Y tế đã đưa ra chủ đề ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm 2023 là “Toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh".  

Bộ Y tế kêu gọi cộng đồng nâng cao ý thức phòng bệnh, tăng cường sức khỏe; thường xuyên, tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch. Các ngành, địa phương phối hợp, chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp và huy động toàn xã hội, các tổ chức chính trị, đoàn thể tham gia công tác phòng, chống dịch, đảm bảo chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với đại dịch hoặc tình huống khẩn cấp về dịch bệnh.

Nhân ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm nay, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đã đưa ra thông điệp hưởng ứng "Từ bài học của đại dịch Covid-19, hãy cùng nhau hành động cho một thế giới khỏe mạnh hơn, bình đẳng hơn".

Sáng 27/12, Bộ Y tế tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Quốc tế Phòng chống dịch bệnh. Từ năm 2020, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết lấy ngày 27/12 hằng năm là Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh.

Những điều cần biết về sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết dengue là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus dengue gây ra. Triệu chứng lâm sàng chủ yếu là sốt và xuất huyết, bệnh có thể tiến triển nặng gây tử vong.

Theo Cục Y tế Dự phòng, bệnh sốt xuất huyết hiện nay được ghi nhận xuất hiện ở cả người lớn và trẻ em, ở cả thành thị và nông thôn, lây truyền từ người này sang người khác qua trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes hay còn gọi là muỗi vằn. Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết gồm có Aedes aegypti và Aedes albopictus trong đó Aedes aegypti là vector chủ yếu gây bệnh.

Muỗi Aedes aegypti thường sống trong nhà, gần người, trú đậu ở nơi có ánh sáng yếu, những nơi bám đậu ưa thích là mặt dưới của đồ gỗ, quần áo treo, rèm cửa trong phòng ngủ, nhà vệ sinh, phòng tắm và bếp, ít khi đậu trên tường. Muỗi Aedes aegypti trưởng thành có khả năng bay xung quanh khoảng 50 mét, nhưng cũng có thể bay xa tối đa 200 - 300 mét.

Muỗi cái Aedes aegypti trưởng thành bắt đầu hành trình hút máu lần đầu vào khoảng 48 giờ sau khi nở, trong một chu kỳ sinh thực, muỗi có thể hút máu nhiều lần. Thời gian từ khi hút máu tới khi đẻ trứng thay đổi từ 2-5 ngày. Muỗi hoạt động hút máu chủ yếu vào ban ngày, có 2 thời điểm cao nhất là sáng sớm (lúc mặt trời mọc) và chiều tối (lúc mặt trời sắp lặn), thời gian hoạt động mạnh nhất vào khoảng 1 giờ trước khi mặt trời lặn. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể hoạt động hút máu suốt ngày, thậm chí cả ban đêm với mức độ thấp hơn.

Sau khi hút phải máu người có chứa virus dengue, thời kỳ ủ bệnh ở trong muỗi khoảng 10-12 ngày. Đây là khoảng thời gian cần thiết để virus được nhân lên trong tuyến nước bọt của muỗi. Sau thời kỳ này, muỗi đã bị nhiễm virus và có thể truyền virus dengue cho những người khác mỗi khi đốt.

Diễn biến của sốt xuất huyết:

Ban đầu biểu hiện của sốt xuất huyết khá giống với cảm cúm thông thường. Tuy nhiên, thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 04 đến 10 ngày sau khi bị muỗi mang mầm bệnh chích. Vậy nên, bạn cần phải theo dõi người bệnh nếu có những biểu hiện bên dưới thì nên đưa người bệnh đến bệnh viện để thăm khám và chữa trị kịp thời.

Đồ họa: Lan Hương

Mong rằng những chia sẻ về diễn biến của bệnh sốt xuất huyết trong bài viết sẽ giúp bạn phòng bệnh cũng như có thể phát hiện kịp thời khi đang mắc bệnh. Ngoài ra, thời gian sắp tới là Tết Dương lịch và Tết Âm lịch đang đến gần chúng ta càng nên chú ý đến sức khỏe đển đón năm mới thật vui.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: