Hy vọng mới cho y tế đảo Thạnh An với tàu cấp cứu hiện đại

NGỌC PHƯỢNG - MINH CHƯƠNG - QUỐC SỬ - QUỐC KHANH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 12/6/2024, 14:26

(HTV) - Những năm gần đây, y tế của xã đảo Thạnh An – xã đảo duy nhất của TP.HCM, đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, từ trang thiết bị đến nhân lực y tế, hiện địa phương này có khoảng 4.900 người sinh sống.

Mong mỏi có tàu cấp cứu hiện đại

Nhiều năm qua, người dân sinh sống trên xã đảo Thạnh An vẫn mong mỏi có chính sách trợ giá phương tiện di chuyển cho người dân khi phải đi đò hoặc thuê vỏ lãi sang trạm y tế xã đảo Thạnh An để khám chữa bệnh.

Bà Nguyễn Thị Gái, ở xã đảo Thạnh An, nỗi lo lớn nhất của bà là việc chồng bị hen suyễn nặng: "Mỗi lần đi làm mệt hay bị lên cơn hen nhưng khi chuyển nặng, đi cấp cứu bằng đò nhỏ hay ca nô thì không có máy móc như máy thở, sợ đưa lên huyện thì không kịp, mà mỗi lần đi đò gặp mùa sóng gió là nguy hiểm, sợ lắm."

Trạm y tế xã Thạnh An

Tàu cấp cứu đường thủy sẽ trang bị máy móc hiện đại

Mới đây, trong đề án "Nâng cao năng lực y tế Cần Giờ" đến năm 2025 và đề án "Đa dạng hóa cấp cứu ngoại viện" của Thành phố, Cần Giờ đã được chọn là nơi khởi đầu phát triển mô hình cấp cứu bằng đường thủy. Điều này mở ra nhiều hy vọng mới về việc nối liền khoảng cách y tế nơi đảo xa.

Di chuyển đi lại làm việc trên đảo chủ yếu là ghe đò

Bác sĩ Luân Thanh Trường - Trưởng Trạm y tế xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM cho biết, 2 phương tiện là ghe gỗ và ca nô trong cấp cứu đều có ưu điểm riêng. Ca nô đi nhanh nhưng thời tiết xấu không đi được, còn ghe gỗ đi chậm hơn nhưng vẫn di chuyển được khi thời tiết xấu. Tuy nhiên, cả 2 phương tiện này đều không trang bị được các thiết bị dùng điện. Còn nếu có tàu thủy cấp cứu sẽ trang bị được các thiết bị như máy trợ hô hấp, máy điện tim, máy hút đàm nhớt,... sẽ giúp ích rất nhiều, như những trường hợp sản phụ đi sanh hay những bệnh nhân suy hô hấp phải thở khí dung...

Khó khăn về phương tiện cấp cứu, chuyển bệnh luôn canh cánh trong lòng người dân

Được sự chỉ đạo của Thành phố, hiện xã đảo Thạnh An đang lên kế hoạch đóng tàu công vụ để vận chuyển hàng hóa khi có bão, thiên tai và cấp cứu người bệnh khi có trường hợp khẩn cấp. Toàn bộ thiết kế tàu cũng đã được lấy ý kiến, đang trong quá trình triển khai, phối hợp cùng các đơn vị, khảo sát địa điểm đóng tàu, neo đậu, ông Đặng Hoàng Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã đảo Thạnh An cho biết. 

Về chất lượng của Tàu cấp cứu, bác sĩ Nguyễn Duy Long - Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 thông tin: "Vì Cần Giờ là vùng biển nên tàu phải đảm bảo chịu được cường độ của sóng gió để đáp ứng được kể cả trong mùa mưa bão. Trang thiết bị trên tàu cũng phải đảm bảo gắn kết với thân tàu, chống bị ăn mòn do nước biển, bên cạnh đó phải đảm bảo hệ thống điện, thông tin liên lạc với lực lượng của cơ sở y tế trên bờ. Công cụ vận chuyển như cáng cũng cần đảm bảo làm sao đưa bệnh nhân từ bờ lên tàu và xuống tàu an toàn, kể cả an toàn cho thân nhân và nhân viên y tế trong quá trình vận chuyển.

Bác sĩ Nguyễn Duy Long

Tàu cấp cứu cho xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ không chỉ cần thiết cho người dân và khách du lịch khi đến nơi đây. Việc đảm bảo phương tiện cấp cứu còn có vai trò quan trọng với những trường hợp ngư dân địa phương khác vận chuyển hàng hóa hay đánh cá ngoài khơi, khách đi phà Cần Giờ Vũng Tàu… và hơn hết là giúp người dân vững tin về chất lượng ngành y tế của TP.HCM.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: