Trải qua 45 năm phát sóng, HTV đã không ngừng đổi mới, liên tục khẳng định vị trí của mình ở lĩnh vực truyền thông. Khi cuộc cách mạng khoa học công nghệ phát triển, HTV cũng đã thành lập các hạ tầng trực tuyến để đáp ứng nhu cầu của khán giả.
Giao diện bắt mắt của website HTV
Đáp ứng kịp thời nhu cầu của khán - thính giả
Bên cạnh các chương trình quen thuộc với khán giả do Đài sản xuất như: Cuộc đua xe đạp toàn quốc tranh Cúp Truyền hình TP.HCM, Vầng trăng cổ nhạc, Thay lời muốn nói; Người dẫn Chương trình; Chuông vàng Vọng cổ, Ngân mãi chuông vàng… thì HTV cũng chủ trương xã hội hóa các chương trình truyền hình với nội dung ngày càng phong phú, hấp dẫn và sâu sắc, đồng thời đa dạng, sinh động về hình thức thể hiện như: gameshow Thách thức danh hài, Giọng ải Giọng ai, Người bí ẩn, Vì yêu mà đến, Người hùng tí hon… các phim sitcom Gia đình là số 1, Muôn kiểu làm dâu...
Tuy nhiên, có quá nhiều chương trình truyền hình mà khán giả lại không có đủ thời gian để ngồi trước màn hình tivi để theo dõi. Thêm vào đó, sự phát triển của công nghệ Internet, số hóa đã thay đổi thói quen của họ. Người xem truyền hình dành nhiều thời gian để xem các video online gấp đôi so với các khán giả xem truyền hình truyền thống.
Vì vậy, để theo kịp thời đại công nghệ số, HTV đã cho ra đời một số các hạ tầng trực tuyến phục vụ khán giả như: website htv.com.vn - nơi cập nhật tin tức trong và ngoài nước, bài viết trước - sau và video clip của các chương trình gameshow được phát sóng, bài phỏng vấn giới nghệ sĩ, trao đổi chuyện nghề - hậu trường truyền hình; trang Facebook chính thức của Đài với tên HTV - Đài Truyền hình TP.HCM; fanpage HTV Show - cập nhật thông tin mới về các chương trình bằng việc dẫn link bài viết từ trang web HTV; kênh YouTube HTV Entertainment - nơi đăng tải các đoạn video clip của hầu hết các chương trình giải trí của HTV…
Trang fanpage chính thức của Đài với tên "HTV - Đài Truyền hình TP.HCM" kèm dấu tick xanh
Sau một thời gian thực hiện, những hạ tầng trực tuyến này của HTV đã và đang có những đổi mới, và thu được kết quả khả quan trên môi trường Internet. Tuy nhiên, để có thể duy trì và thu hút khán giả trên phương tiện truyền thông số, HTV cần có những phương pháp để phát triển những công cụ này.
Trong năm vừa qua, các phòng ban HTV đều đã có những kế hoạch chương trình giới thiệu về các hoạt động khởi nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp trẻ. Những chương trình này đã được website HTV cập nhật liên tục để bạn đọc có thể theo dõi mọi lúc. Riêng tại phòng Web thuộc Ban Biên tập các kênh truyền hình Số và Cáp, các bạn biên tập trẻ cũng đã có những video chia sẻ những kinh nghiệm, câu chuyện khởi nghiệp khá thú vị ở những lĩnh vực còn mới mẻ như Người dẫn chương trình truyền hình.
Biên tập Bảo Châu của bộ phận Web cho biết: “Website HTV có chuyên mục tập hợp các tin tức, lẫn chương trình liên quan chủ đề Khởi nghiệp sáng tạo mà chúng tôi tập hợp từ các mốc phát sóng trên HTV9, HTV7; xen kẽ vào đó là những bài viết Người thật - việc thật mà anh em website HTV sản xuất. Theo tôi đánh giá, chương trình nào cũng mang lại hiệu quả, và tôi có thể khẳng định: nỗ lực xây dựng một “kho dữ liệu” về Khởi nghiệp sáng tạo của website HTV có thể cung cấp đa chiều thông tin cho thế hệ trẻ hiện nay”.
Về những chương trình truyền hình thực tế, gameshow, các cuộc thi tài năng, âm nhạc, lượt tương tác trên Facebook cũng có sự gia tăng đáng kể. Với những best-cut (phân đoạn đặc sắc) của các gameshow như: Thách thức danh hài, 7 nụ cười xuân, Tình yêu hoàn mỹ… thì lượt "Thích" và "Chia sẻ" có thể tăng lên đến gần hai trăm nghìn lượt yêu thích sau 24 giờ đăng (gấp mười lần so với các tin bài khác). Một số chương trình có diễn viên, nhân vật được khán giả yêu thích sẽ nhận được nhiều bình luận chia sẻ của khán giả.
Admin tổ chức mini game tặng vé trên fanpage “Chuông vàng Vọng cổ”
Riêng fanpage Chuông vàng Vọng cổ - trang facebook tập trung chủ yếu vào nhóm đối tượng khán giả yêu vọng cổ thì lượt tương tác của khán giả luôn ổn định. Các mini game tặng vé Ngân mãi chuông vàng, Vầng trăng cổ nhạc cũng trở thành kênh hữu hiệu để kết nối trực tiếp với khán giả.
Kết quả đạt được trên nền tảng trực tuyến
Tuy nhiên, lượng tương tác giữa khán giả vẫn chưa cao, nhiều người xem nhưng không để lại bình luận hoặc ý kiến. Riêng trang fanpage HTV Show chỉ có khoảng hơn 5000 người theo dõi, nên việc tiếp cận khán giả có phần khó khăn hơn trang Facebook chính thức của Đài là HTV - Đài Truyền hình TP. HCM (có dấu tick xanh).
Đối với trang web htv.com.vn thì hiện nay, web có lượng truy cập ổn định, được nhiều người quan tâm hơn, đặc biệt sau lần thay đổi hệ thống web gần đây nhất. Trang web bắt mắt, nội dung cập nhật thường xuyên, phong phú. Trong đó, những tin bài - clip do các biên tập viên phòng Web tự sản xuất; những bài phỏng vấn nghệ sĩ, nghệ sĩ viết, hậu trường truyền hình do Tạp chí HTV thực hiện trong chuyên trang HTV Cận cảnh, là yếu tố thu hút khán giả đến với website HTV.
Các chuyên mục con trong chuyên trang HTV Cận cảnh
Ngoài ra, chuyên mục "Lan tỏa cùng HTV" cũng nhận được sự quan tâm, đóng góp của các biên tập viên, nhân viên từ các phòng ban khác của Đài, với những bài dự thi về các chủ đề khác nhau, chẳng hạn như: Những câu chuyện phía sau đường đua (Quang Huy), Tôi mừng vì HTV không biến “Chuông vàng Vọng cổ” thành một gameshow (Hoàng Quyên), Nghệ sĩ và HTV - Lòng tin bền bỉ (Thanh Hiệp), Những con người thầm lặng truyền tín hiệu (Nhật Lam), Nữ kỹ sư trẻ với nhiều sáng kiến có giá trị (Sương Mai)...
Chuyên mục “Lan tỏa cùng HTV” nhận được nhiều bài viết dự thi của các biên tập viên, nhân viên từ các phòng ban của HTV
Nỗ lực nâng cao chất lượng hạ tầng trực tuyến
Thế nhưng, bấy nhiêu thôi vẫn chưa đủ. Trong thời đại kỷ nguyên số, đội ngũ biên tập các nền tảng trực tuyến của HTV cần phải tìm hiểu rõ hơn sở thích của khán, thính giả, động lực, cách thức họ tiếp cận và “tiêu dùng” sản phẩm truyền thông.
Đồng thời phải tìm hiểu sâu hơn, nghiên cứu kỹ hơn về cách công chúng sử dụng các công nghệ truyền thông mới, về cách họ tiếp cận và tương tác với các nội dung phát sóng của các Đài.
Biên tập Bảo Châu (phòng Web) chia sẻ cách chị tăng tương tác với khán giả: “Tôi theo dõi các bản tin giải trí liên quan đến các nghệ sĩ, chọn lọc và kịp thời cắt những đoạn best-cut đúng thị hiếu người xem. Tích cực tổ chức các hoạt động “Livestream hậu trường” với các chương trình trực tiếp của HTV, tạo chuyên đề như “Khởi nghiệp sáng tạo” để sản xuất tin bài về người thật việc thật. Chọn lọc và cập nhật các kỹ năng tạo từ khóa, chọn giờ đăng bài, tạo tiêu đề, hình đại diện (thumbnail)… để thu hút người xem trên hạ tầng số”.
Kênh YouTube HTV Entertainment
Biên tập viên Đan Quỳnh (phòng Web) thì cách của chị là cùng các đồng nghiệp cố gắng để tạo nên những nội dung hay, bởi chị quan niệm nội dung hay mới có thể thu hút khán giả đến gần hơn với các nền tảng trực tuyến. Bên cạnh đó là giao diện trang web. Việc thường xuyên thay đổi giao diện (theo dòng sự kiện, các ngày lễ, Tết, kỷ niệm của Việt Nam…) sẽ giúp tạo sự tươi mới cho nền tảng và thu hút sự quan tâm của khán giả.
Ngoài ra, mỗi biên tập viên, nhân viên của HTV cần phối hợp để chia sẻ thông tin từ trang web cũng như fanpage HTV, để bạn bè có thể biết đến các nền tảng trực tuyến này nhiều hơn và theo dõi nhiều hơn, tương tác nhiều hơn.
Hi vọng rằng hạ tầng trực tuyến của HTV sẽ ngày càng phát triển, để trở thành lựa chọn đầu tiên của khán giả khi tìm kiếm các chương trình giải trí.
Hà Dương