45 năm đã qua, nhưng giá trị hào hùng của cuộc trường chinh lịch sử chống Mỹ, cứu nước vẫn vang mãi bản hùng ca và là niềm khích lệ thiêng liêng để mỗi một người Việt Nam hôm nay tự hào đi lên trên con đường đổi mới.
Tết Mậu Thân năm 1968, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân dân Miền Nam đã đưa chiến tranh cách mạng vào các đô thị là hậu phương trực tiếp của địch. Tại thủ đô của Việt Nam Cộng hòa là Sài Gòn, quân giải phóng đã tiến công nhiều mục tiêu chiến lược của địch như: Đại sứ quán Hoa Kỳ, Dinh Độc Lập, Đài phát thanh, Bộ Tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất… Đòn tiến công chiến lược này đã làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, làm cho Mỹ cay đắng hiểu rằng, không thể thắng Việt Cộng bằng quân sự và buộc phải chuyển sang đàm phán với ta ở Hội nghị Pari. Mậu thân 1968 là một khúc bi tráng trong bản hùng ca cách mạng Việt Nam khi hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, quần chúng yêu nước hy sinh để tạo nên bước ngoặt lịch sử của chiến tranh. Máu xương của các anh hùng, liệt sĩ, đồng bào yêu nước ngã xuống đã tạo nên thế trận chiến lược trên chiến trường có lợi cho ta. Không có Mậu Thân 1968 sẽ không có Hội nghị Pari và Hiệp định Pari. Không có Hiệp định Pari thì không có Mỹ rút quân. Không có việc Mỹ rút quân thì không có Ngụy nhào trong đại thắng mùa xuân năm 1975.
Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - UV Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cùng các tướng lĩnh quân đội tại Hội thảo khoa học 50 năm Chiến dịch Mậu Thân 19
Từ năm 1969 đến năm 1973, đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” thay màu da xác chết trên chiến trường bằng cách hiện đại hóa, tinh nhuệ hóa quân lực Việt Nam Cộng hòa, được sự yểm trợ bằng hỏa lực của không quân, hải quân Mỹ nhằm làm chủ chiến trường và từng bước rút quân Mỹ về nước, Mỹ ném bom trở lại miền Bắc với quy mô, cường độ khốc liệt hơn. Mỹ tận dụng sự mâu thuẫn bất hòa trong phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế để chống Việt Nam. Trong thời điểm khắc nghiệt này, nhân dân Việt Nam với bản lĩnh của mình, được Đảng lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt đã vượt lên mọi thách thức, mà tiêu biểu nhất là chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng tháng chạp 1972. Cùng với các chiến thắng trên chiến trường miền Nam như: Đường 9-Nam Lào, chiến dịch Xuân - Hè (1972) với chiến trường trọng điểm là Thành Cổ Quảng Trị… đã buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari ngày 27/1/1973, buộc Mỹ phải rút quân vào ngày 29/3/1973. Lần đầu tiên trong gần 100 năm kể từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, trên mảnh đất thân yêu của Tổ quốc Việt Nam đã sạch bóng quân thù xâm lược.
Đồng chí Trần Lưu Quang - UV Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM dâng hương các anh hùng, liệt sĩ Đoàn tàu Không số trong chuyến thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo vùng biển Tây Nam
Từ năm 1973 đến năm 1975, quân và dân ta đã ra sức thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định Pari với khát vọng lập lại hòa bình và hòa hợp dân tộc sau hàng thập kỷ chiến tranh. Trong khi đó, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã đi ngược lại nguyện vọng tha thiết của nhân dân ta. Chính giới Mỹ sau nhiều năm can thiệp xâm lược Việt Nam đã tìm cách rút ra khỏi Việt Nam trong danh dự. Một số thế lực phản động khu vực và quốc tế đang trỗi lên có mưu đồ sắp xếp lại bản đồ khu vực, can thiệp vào cách mạng Việt Nam.
Phát hiện kịp thời các âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, tháng 12 năm 1974, Đảng ta quyết định Kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975, 1976 và coi đây là thời cơ lịch sử. Ngày 6/1/1975, quân ta giành thắng lợi tại Phước Long, một vị trí chiến lược cách Sài Gòn, Thủ đô của Việt Nam Cộng hòa 100 km, nhưng địch không thể tái chiếm lại được. Ngay lập tức Đảng ta điều chỉnh kế hoạch giải phóng Miền Nam trong năm 1975. Ngày 10/3/1975, chiến dịch Tây Nguyên với đòn đánh điểm huyệt Chiến lược Buôn Mê Thuật được mở màn và nhanh chóng giành thắng lợi. Ngày 17/3/1975, Chiến dịch Tây nguyên toàn thắng đã phá vỡ thế trận chiến lược của địch trên toàn miền Nam. Cuộc di tản tại Quân khu 2 của địch đã trở thành cuộc tháo chạy tán loạn, gieo rắc tâm lý hoảng loạn, thất bại trong quân lực Việt Nam Cộng hòa. Chớp thời cơ ta mở chiến dịch Huế - Đà Nẵng và giành thắng lợi trong thời gian ngắn, giải phóng Huế ngày 26/3 và giải phóng Đà Nẵng ngày 29/3/1975.
Đến thời điểm này, quá nửa lãnh thổ của Việt Nam Cộng hòa đã được ta giải phóng. Quá nửa quân số quân lực Việt Nam Công hoà đã bị ta tiêu diệt và làm tan rã. Nguyễn Văn Thiệu phải lập tuyến phòng thủ tại Phan Rang để bảo vệ Sài Gòn. Ta liên tiếp mở Chiến dịch Duyên hải miền Trung với trận đánh then chốt tại Phan Rang (16/3/1975) và Chiến dịch Đông Nam Bộ với trận đánh then chốt Xuân Lộc (21/4/1975). Hai chiến dịch này đã mở toang cửa tử cho chế độ Sài Gòn. Đây thật sự là những chiến dịch khốc liệt trong thời điểm cuối của chiến tranh, có những trận đánh mà lực lượng của ta bị tổn thất lớn như Xuân Lộc (4 đại đội một ngày). Ngày 19/3/1975, ta quyết định mở chiến dịch giải phóng Sài Gòn mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. Từ 17h ngày 26/3/1975, lực lượng của ta đồng loạt tiến công vào Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định. 11h30 ngày 30/4/1975 lá cờ chiến thắng đã được kéo lên trên nóc Dinh Độc Lập. Đây là thời khắc lịch sử kết thúc cuộc chiến tranh cách mạng kéo dài 30 năm để bảo vệ thành quả cách mạng, giải phóng đất nước, thống nhất Tổ Quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Khát vọng hòa bình
Để đi đến ngày toàn thắng 30/4/1975, hơn 3,1 triệu người Việt Nam đã ngã xuống, trong đó có 1,1 triệu là cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang. Mất mát, đau thương của dân tộc Việt Nam đã đến từng mái nhà và chỉ có ở Việt Nam mới có những bà mẹ Việt Nam anh hùng như: Má Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam có 11 người thân là liệt sĩ; má Nguyễn Thị Rành ở Củ chi (TP.Hồ Chí Minh) có 8 người con trai và 2 cháu nội hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ; có những gia đình như Đại tướng Đoàn Khuê có mẹ chồng và 3 con dâu đều được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
45 năm đã qua, nhưng giá trị hào hùng của cuộc trường chinh kháng chiến 30 năm chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ xâm lược, vẫn vang mãi bản hùng ca và là niềm khích lệ thiêng liêng để mỗi một người Việt Nam hôm nay đời đời khắc sâu công lao của các thế hệ cha ông và đem sức mạnh quật cường đó để bảo vệ thành quả cách mạng, dựng xây đất nước giàu mạnh trong hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do. Bài học về sức mạnh của nhân dân, dân tộc Việt Nam anh hùng dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, được sự đồng tình ủng hộ của cách mạng thế giới và nhân loại tiến bộ, thì nhất định sẽ vượt qua muôn vàn thử thách để đi tới thành công. Đó là giá trị thiêng liêng nhất mà chiến thắng 30/4/1975 để lại cho muôn đời.
TS, GVCC Nguyễn Việt Hùng (Trưởng Khoa XDĐ&TTHCM, Học viện Cán bộ TP.HCM)